(Tin Môi Trường) - Trong tháng 1-2018, tại Bệnh viện Bạch Mai đã có 4/12 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol tử vong. Rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm...
Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol đang được điều trị tích cực
Tại hội thảo "Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018", chiều 31-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tỉ lệ ngộ độc và tử vong do rượu đang gia tăng. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề và lễ hội sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng lạm dụng rượu, bia gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, bất lợi về an ninh trật tự. Cùng đó, rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau như gan, dạ dày, tim mạch… Hiện tỉ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân và vẫn đang có xu hướng tăng.
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho thấy năm 2017, cả nước ghi nhận 10 vụ ngộ độc rượu, 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người chết. So với những năm trước, số ca ngộ độc rượu tăng hơn nhiều, nhất là khu vực miền núi phía Bắc. Tình trạng ngộ độc rượu rất đa dạng, từ ngộ độc rượu methanol đến rượu ngâm thuốc lá và rượu ngâm cây rừng độc. Đáng lưu ý, rượu có hàm lượng methanol cao đã gây ra 7 vụ ngộ độc, làm 106 người mắc, 23 người chết.
Dịp Tết, nguy cơ ngộ độc rượu rất cao, nhất là rượu "chế" từ methanol
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, tại đây đã tiếp nhận 12 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol, trong đó 4 trường hợp tử vong. Những trường hợp cứu được cũng hết sức vất vả, tốn kém, đa phần đều bị di chứng thần kinh kéo dài, mù mắt, tổn thương não… chi phí lên đến hàng trăm triệu.
Theo bác sĩ Nguyên, bản chất methanol là hoá chất độc, được trà trộn vào rượu uống (rượu trắng) hoặc cố tình gian lận để pha cồn y tế. Người uống không hề biết mình đã uống nhầm rượu độc nên chủ quan, đến khi được đưa vào viện thì thường đã quá muộn. Methanol khi vào cơ thể được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả bộ phận cơ thể, đặc biệt là mắt, não, gan… Phải 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống rượu, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê… Lúc này chất độc đã ngấm vào nội tạng, gây nguy hiểm đến tính mạng.