Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đồng Nai còn nhiều trang trại chăn nuôi chưa tuân thủ bảo vệ môi trường

(07:54:31 AM 31/01/2018)
(Tin Môi Trường) - Chiều 30/1, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc tại Đồng Nai về việc thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi.

Đồng Nai còn nhiều trang trại chăn nuôi chưa tuân thủ bảo vệ môi trường

Ảnh minh hoạ: Ngọc An

 
Khảo sát thực tế một số trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), Đoàn công tác ghi nhận hầu hết các trang trại vẫn chưa thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi, kể cả những trang trại chăn nuôi đã được chứng nhận VietGAP. 
 
Theo ông Bùi Thanh Tùng, thành viên đoàn công tác, Đồng Nai là địa phương có ngành chăn nuôi lớn nhất cả nước, số lượng trang trại chăn nuôi được công nhận VietGAP khá cao. Tuy nhiên, trong thực tế các trang trại vẫn chưa đảm bảo những yêu cầu để được chứng nhận VietGAP. Nhiều danh mục được chuẩn bị nhưng chỉ để đối phó như ghi chép sổ sách, cơ sở hạ tầng, khu chăn nuôi, khu tiêu hủy xác động vật… chưa đảm bảo so với yêu cầu. 
 
Ngoài ra, một số trang trại chăn nuôi đã áp dụng bioga trong xử lý chất thải, nhưng hệ thống bioga chưa phát huy hiệu quả; có trang trại hầm không đủ khí, có trang trại hầm đã quá cũ không thể vận hành được dẫn đến tình trạng khó khăn trong xử lý chất thải. 
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh tổng đàn lợn có khoảng hơn 2 triệu con và hơn 20 triệu con các loại gia súc gia cầm khác. Điều này đã gây sức ép không nhỏ đối với môi trường tự nhiên. Tỉnh Đồng Nai luôn đặt tiêu chí đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường lên hàng dầu, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh còn nhiều, nằm trong các khu dân cư, vấn đề xử lý môi trường chưa được người dân quan tâm đúng mức, còn mang tính đối phó nên hiệu quả không cao. Sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, lợi nhuận thấp và bấp bênh so với các ngành nghề khác. Ngành chăn nuôi sử dụng nhiều tài nguyên nước và khối lượng chất thải cao, việc đầu tư xử lý chất thải cần có chi phí lớn nên người dân không có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng.
 
Đặc biệt, việc xử lý các chất thải rắn (phân chuồng, xác động vật chết) chưa được người dân quan tâm. Đối với những chất thải như xác lợn chết, người dân có thể bán cho những hộ chăn nuôi cá sấu và các mục đích khác nên việc quản lý chuyên ngành gặp khó khăn.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai kiến nghị, thời gian tới, các ngành chức năng nên có hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi để không gây ô nhiễm và giảm kinh phí xử lý. Ngoài ra, nên có hướng dẫn tái sử dụng nước thải chăn nuôi trước khi sử dụng vào mục đích khác. 
 
Ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường, Trưởng đoàn công tác cho biết, hiện nay tại các địa phương trong nước, việc sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, lạm dụng quá nhiều hóa chất, sử lý chất thảo nông nghiệp chưa triệt để gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tại Đồng Nai, với quy mô, số lượng các đàn gia súc, gia cầm lớn, lượng chất thải đưa ra môi trường lớn, nếu xử lý tốt đây sẽ là nguồn tài nguyên lớn để phát triển nền nông nghiệp xanh, sử dụng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên nếu không xử lý tốt sẽ gây sức ép rất lớn đối với môi trường tự nhiên. 
 
Ông Phùng Đức Tiến yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường siết chặt kiểm tra, quản lý các trang trại trong vấn đề cái tạo, bảo vệ môi trường, không cho thải chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.
TTXVN