Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Mô hình sinh kế mùa lũ hỗ trợ chiến lược trữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long
(18:39:20 PM 26/01/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngày 26/1 tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Tổ chức bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Thí điểm mô hình sinh kế mùa lũ nhằm hỗ trợ chiến lược trữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long” tại ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và An Giang.
Ảnh minh hoạ: IE
Với sự tài trợ 550 nghìn USD từ Công ty Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, dự án sẽ tập huấn và hỗ trợ nông dân tại tỉnh Đồng Tháp, Long An và An Giang tại Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ, nhằm thay thế cho canh tác lúa vụ ba không bền vững.
Tại Hội thảo ông Đặng Kim Khôi - Giám đốc Viện chính sách chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn đưa ra các ý tưởng như: Hạ thấp đê, mở cống lấy nước đỉnh lũ, trồng lúa nổi luân canh hoa màu; hoặc chuyển từ ba vụ lúa sang hai vụ lúa chất lượng cao; thực hiện mô hình lúa-cá, lúa- tôm; Các khu chuyên canh nuôi trồng cá tra được tập trung lại, quy hoạch tốt hơn theo hướng thâm canh.
Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Long An giới thiệu mô hình sinh kế mùa lũ đã thực hiện hiệu quả vừa như: Mô hình tôm càng xanh-lúa; Mô hình lúa nổi-hoa màu-thủy sản hoặc một vụ lúa-một vụ sen; Mô hình 2 lúa-cá tự nhiên, cây thủy sinh; Mô hình 2 lúa - vịt - cá… đều lãi gấp 3 lần so với trồng 3 vụ lúa/năm.
Bà Đinh Nguyễn Thị Hường, Trưởng Phòng Truyền Thông Đối ngoại phía Nam, đại diện nhà Tài trợ Coca Cola cho biết, dự án đang thực hiện giúp cộng đồng dân cư tiếp cận nguồn nước sạch, bảo vệ các nguồn nước tại các lưu vực sông thông qua các hoạt động bảo tồn và nâng cao nhận thức người dân.
Bà Hường mong muốn dự án tập trung vào việc tập huấn và hỗ trợ nông dân áp dụng các hệ thống canh tác mùa lũ như trồng các loại cây trồng có khả năng chống lũ lụt và chịu hạn, giúp người dân duy trì cuộc sống và gia tăng khả năng tích nước lũ của đất.
Kết quả dự án được chọn thực hiện trong 3 năm, với diện tích 450 ha; trong đó ở Đồng Tháp thực hiện dự án tại huyện Tháp Mười là 150 ha thực hiện mô hình canh tác sen; ở tỉnh Long An thực hiện dự án ở huyện Tân Hưng là 150 ha với mô hình trồng sen - du lịch sinh thái; ở tỉnh An Giang thực hiện dự án tại huyện Tri Tôn với diện tích 150 ha thực hiện mô hình lúa mùa nổi và nuôi thủy sản.
Dự án làm mô hình thí điểm sinh kế dựa vào nước lũ, từ đó giúp bảo tồn và khôi phục khả năng trữ nước cho đồng bằng vào khoảng 6,7 triệu m3 trữ lượng nước lũ /năm. Sau đó dự án sẽ được nhận rộng sang các tỉnh khác thông qua việc tiếp cận các quy hoạch sử dụng nước và đất của các tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trong Chiến lược Trữ nước của Đồng bằng sông Cửu Long.