Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn

(13:01:39 PM 26/01/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngày 25/1, tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Phối hợp tuyên truyền cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn năm 2018”. Hội thảo nhằm đánh giá các hiện tượng khí tượng thủy văn năm 2017, những khó khăn và thách thức trong công tác dự báo phục vụ; cung cấp những nhận định xu thế, diễn biến thời tiết, thủy văn Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn

Ảnh minh hoạ: TL

 
Tại hội thảo, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều loại thiên tai nhất châu Á gồm tất cả các loại thiên tai vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và cận nhiệt đới như bão, lũ, hạn hán, rét đậm, rét hại... Công tác dự báo khí tượng thủy văn ngày càng là thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Thời gian gần đây, các bản tin dự báo khí tượng thủy văn ngày một nâng cao, sát với diễn biến thời tiết. Để giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra, người dân cần chủ động theo dõi sát, thường xuyên cập nhật những bản tin dự báo thời tiết. 
 
Tại hội thảo, ông Trần Quang Năng, Trưởng Phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhấn mạnh: Năm 2017, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã theo dõi chặt chẽ và dự báo sát với diễn biến thực tế, các bản tin trên website Trung tâm, cũng như các cơ quan, ban, ngành, thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn, đặc biệt trong vấn đề dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ lụt vốn là những loại hình thời tiết rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, một trong những nguyên nhân trực tiếp nhất là tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, điều kiện tự nhiên thay đổi kéo theo hầu hết các hệ thống sông không còn chế độ dòng chảy tự nhiên mà chịu chi phối bởi nhiều yếu tố, thảm thực vật rừng đầu nguồn thay đổi... Ngoài ra, mạng lưới giám sát thiên tai, công nghệ dự báo, trình độ dự báo chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn. 
 
Đánh giá dự báo tình hình khí tượng thủy văn năm 2018, ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng Phòng Dự báo khí tượng hạn vừa hạn dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Hiện tượng ENSO đã chuyển sang pha lạnh (La Nina) trong tháng 12/2017 và nhiều khả năng hiện tượng La Nina sẽ không kéo dài. Các dự báo hiện tại cho thấy, La Nina sẽ còn duy trì trong 3-4 tháng đầu năm 2018, sau đó chuyển dần trở lại pha trung tính trong các tháng giữa năm 2018. Dưới tác động của La Nina trong nửa đầu năm 2018, sau đó là pha ENSO trung tính, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam sẽ tương đương hoặc nhiều hơn một ít so với trung bình nhiều năm. 
 
Từ tháng 2/2018, mực nước các sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục có xu hướng giảm dần. Nguồn nước so với trung bình nhiều năm trên lưu vực sông Đà thuộc khu vực Tây Bắc có xu thế nhiều hơn từ 10-20%; trên lưu vực sông Thao và sông Lô thuộc khu vực Việt Bắc thiếu hụt khoảng 10-30%; hạ lưu sông Hồng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trong mùa mưa lũ năm 2018, đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 2-3, một số sông suối nhỏ trên báo động 3. Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, các khu đô thị và thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… có khả năng xuất hiện vài đợt ngập úng cục bộ. 
 
Mùa khô năm 2017-2018, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức tương đương và thấp hơn trung bình nhiều năm. Tình trạng hạn hán, thiếu nước ít khả năng xuất hiện diện rộng và gay gắt, nhưng cục bộ vẫn có thể xuất hiện ở một số khu vực thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Khu vực Nam Bộ, mực nước thượng lưu sông Mê Công xuống dần và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 - 0,5m. Tình hình xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và tương đương năm 2016-2017. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2017-2018, có khả năng xuất hiện trong khoảng tháng 3/2018, riêng vùng Bán Đảo Cà Mau xuất hiện vào tháng 4/2018. 
 
Tại hội thảo, ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng Phòng Dự báo khí tượng hạn vừa hạn dài cũng đưa ra nhận định thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Dự báo, các tỉnh miền Bắc có khả năng ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh, gây mưa, mưa nhỏ và trời rét ở Bắc Bộ. Các tỉnh miền Trung có mưa và rét, các tỉnh miền Nam về cơ bản là tốt, có thể xuất hiện mưa rào cục bộ. 
 
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn nhằm giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra.
Thu Hà -TTXVN