(Tin Môi Trường) - Ngày 27/1 tới, quốc kỳ của Uzbekistan và Việt Nam sẽ tung bay trên sân vận động Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc trong trận chung kết giải vô địch U23 châu Á. Bạn biết gì về quốc kỳ của nước bạn?
Uzbekistan từng là thành viên của Liên bang Xô Viết, đã tuyên bố độc lập ngày 31/8/1991. Một lá quốc kỳ mới được đưa ra để thay thế lá quốc kỳ cũ của Cộng hòa XHCN Xô viết Uzbekistan (giống quốc kỳ Liên Xô cũ, nền màu đỏ, có hình sao và búa liềm trên góc trái nhưng có thêm vạch xanh nằm ngang ở giữa). Ngày 18/11/1991, tại phiên họp bất thường lần thứ 7 của Hội đồng Tối cao Uzbekistan, mẫu quốc kỳ của Cộng hòa Uzbekistan đã được chính thức phê duyệt.
Quốc kỳ Uzbekistan có hình chữ nhật, chia làm ba phần bằng nhau theo chiều ngang, với các màu lần lượt từ trên xuống là xanh da trời, trắng và xanh lá cây. Ở góc bên trái phần màu xanh da trời có hình trăng lưỡi liềm và 12 ngôi sao xếp thành ba hàng, thứ tự lần lượt mỗi hàng là ba, bốn và năm ngôi sao. Ba phần của quốc kỳ Uzbekistan được phân chia với nhau bằng những dải màu đỏ mảnh hơn.
Quốc kỳ Uzbekistan. Ảnh: Pinterest.
Theo thông tin trên web của Đại sứ quán Uzbekistan tại Mỹ, lá quốc kỳ này là biểu tượng cho lịch sử của đất nước, thể hiện truyền thống dân tộc của Uzbekistan.
Màu xanh da trời tượng trưng cho bầu trời và nước, là nguồn gốc của cuộc sống. Đây cũng là màu trên lá cờ của của hoàng đế Amir Timur, hay còn gọi là Tamerlane, vị anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử Uzbekistan, người đã đánh bại Đế chế Ottoman hùng mạnh vào thế kỷ 14.
Dải sọc trắng ở giữa lá cờ biểu tượng của hòa bình, đạo đức và tinh thần trong sạch. Theo trang Advantour, màu trắng cũng là biểu tượng trong câu nói tiếng Uzbek thông thường "Ok yu", có nghĩa là "đi trong hòa bình".
Dải màu xanh lá cây tượng trưng cho thiên nhiên, kỷ nguyên mới và đồng thời biểu tượng cho đạo Hồi. Bên cạnh đó, màu này cũng mang ý nghĩa bảo vệ thiên nhiên, hài hòa với phong trào Hòa bình xanh đang thịnh hành trên thế giới.
Các sọc phân cách mảnh hơn màu đỏ tượng trưng cho năng lượng sống còn trong cơ thể, đồng thời thể hiện sự kết nối tư tưởng tinh khiết và cao quý của con người với bầu trời và trái đất.
Mặt trăng lưỡi liềm là biểu tượng truyền thống lịch sử của Uzbekistan, cũng là biểu tượng cho sự tái lập của nước cộng hòa độc lập. Hình ảnh này là biểu tượng quen thuộc trên quốc kỳ của nhiều quốc gia Hồi giáo, như quốc gia láng giềng Turkmenistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan… Hồi giáo là tôn giáo chiếm trên 90% dân số Uzbekistan.
Mười hai ngôi sao biểu tượng cho 12 tỉnh của đất nước và cũng đại diện cho 12 cung hoàng đạo hay tháng trong năm theo lịch mặt trời, bắt nguồn từ lễ Navruz - lễ đầu năm của cộng đồng người vùng Tiểu Á. Số 12 cũng đồng thời thể hiện 12 nguyên tắc nền móng trong quản lý nhà nước của Uzbekistan.