(Tin Môi Trường) - Một nguồn tin ngoại giao xác nhận người phơi vây cá mập trên nóc nhà tòa đại sứ quán Việt Nam tại Chile là một cán bộ thương vụ thuộc quản lý trực tiếp của Bộ Công thương.
Hình ảnh được cho là vi cá phơi trên tòa nhà thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Chile. Ảnh: El Mostrador
Điều này cũng có thể giải thích lý do tại sao Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lên tiếng về vấn đề này.
Đề nghị phối hợp
Ngày 22-1, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị chức năng của bộ gồm Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Chile báo cáo, giải trình về sự việc phương tiện truyền thông tại Chile đăng thông tin tòa nhà thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Chile phơi vây cá mập trên mái nhà.
Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị phối hợp, chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Chile xác minh sự việc.
Đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng của Chile để giải quyết, xử lý sự việc trên theo đúng quy định, luật pháp của nước sở tại.
Tờ báo El Mostrador của Chile cũng xác nhận các vây cá mập được nhìn thấy trên nóc tòa nhà thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile, ở địa chỉ 2897 Eliodoro Yáñez, thủ đô Santiago. Theo tờ báo này, những bức ảnh trong bài báo được chụp trong ngày 18-1 khi người dân trong khu vực lân cận ngửi thấy mùi hôi.
Cán bộ thương vụ là ai?
Hiện nhiều người nhầm lẫn cán bộ ngoại giao ở nước ngoài thuộc biên chế của Bộ Ngoại giao nhưng thật ra là cán bộ của nhiều bộ ngành.
Theo Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài được Chính phủ phê duyệt năm 2009, cơ quan đại diện được Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý.
Biên chế của cơ quan đại diện bao gồm cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao và căn cứ vào yêu cầu công tác, có cán bộ, công chức, viên chức của một số cơ quan hữu quan làm việc theo chế độ biệt phái phù hợp với quy định của pháp luật (sau đây gọi là cán bộ biệt phái).
Trên cơ sở đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, căn cứ yêu cầu hoạt động và quan hệ đối ngoại, sau khi trao đổi thống nhất với các cơ quan hữu quan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định cụ thể về cơ cấu tổ chức và nhân sự của từng cơ quan đại diện để phụ trách các lĩnh vực sau đây, bao gồm: chính trị, quốc phòng an ninh (quân vụ), quốc phòng - an ninh; kinh tế - thương mại, đầu tư (thương vụ), du lịch, lao động, khoa học - công nghệ, văn hóa, thông tin, báo chí và giáo dục - đào tạo; lãnh sự và công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; và hành chính, lễ tân, quản trị.
Về nguyên tắc, tất cả cán bộ ngành đi nhiệm kỳ đều là người của sứ quán, Bộ Công thương là tùy viên/tham tán thương mại, Bộ Quốc phòng là tùy viên quân sự. Tất cả đều thuộc biên chế của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Nhưng hiểu một cách đơn giản, thương vụ là một bộ phận thuộc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (gọi là trade office), làm các nhiệm vụ như xúc tiến, trao đổi thương mại, kinh tế, đầu tư, nghiên cứu thị trường…
Cán bộ làm việc tại các thương vụ là các nhân viên ngoại giao (tùy viên/tham tán thương mại...) do Bộ Công thương cử đi làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài theo chế độ biệt phái.
Cán bộ các ngành thường làm những việc đặc thù của bộ ngành đó theo chỉ đạo của bộ chủ quản. Văn phòng làm việc có thể đặt cùng sứ quán hoặc riêng. Thường là họ đặt riêng vì đặc thù công việc khác nhau.
Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Quốc hội mới thông qua tháng 11-2017 và có hiệu lực năm 2018 cũng đã quy định tách thương vụ ra riêng và tự chủ tài khoản riêng.