(Tin Môi Trường) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 25 làng truyền thống với 19.300 cơ sở sản xuất ở các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Phần lớn các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu, chưa được đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng bảo vệ môi trường như hệ thống thu gom, xử lý rác thải tập trung nên vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn đang là bài toán nan giải.
Ảnh: IE
Thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) hiện có khoảng 2.000 hộ làm nghề mộc, chiếm gần 80% dân số địa phương. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề chủ yếu là: sập, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ, gia công nội thất, câu đối... Thị trường tiêu thụ sản phẩm mộc Thanh Lãng từ Bắc vào Nam. Thậm chí một số sản phẩm đồ gỗ cao cấp đã có mặt ở các nước Lào, Campuchia, Nhật, Trung Quốc... đã mang về nguồn thu nhập cao cho người lao động.
Ông Kim Văn Giang - Trưởng làng nghề mộc Thanh Lãng cho biết: Từ ngày nghề mộc Thanh Lãng được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của bà con ở đây đã được nâng cao, nhất là với những hộ có xưởng lớn, có điều kiện không gian để xây máy hút bụi sơn, bụi gỗ. Theo đó, tình trạng ô nhiễm bụi gỗ, mùi sơn đã được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các hộ làm nghề mộc của thị trấn có không gian chật hẹp nên không có điều kiện để xây máy hút bụi sơn, bụi gỗ. Vì vậy, việc giải quyết triệt để tình trạng bụi gỗ, bụi sơn trong thị trấn gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm ở làng nghề, thị trấn Thanh Lãng đã quy hoạch, xây dựng dự án cụm làng nghề Thanh Lãng với diện tích 8,2 ha. Theo đó, sẽ có 300 hộ sản xuất quy mô lớn trong các làng được tập trung sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường và tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân địa phương... Thế nhưng, sau thời gian dài được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án này vẫn được thực hiện và các xưởng sản xuất mộc vẫn hoạt động xen kẽ trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường ghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Cùng với nhiều địa phương khác, nghề tái chế nhựa phế liệu ở thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc trở thành nghề chính mang lại nguồn thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân ở địa phương. Nhựa phế thải được thu gom từ khắp nơi, với nhiều chủng loại như thùng đựng dầu mỡ, bình ắc quy, vỏ các dụng cụ điện tử, thậm chí cả các dụng cụ đựng các chất độc hại, vỏ thuốc trừ sâu, rác thải y tế như bơm kim tiêm, ống nghiệm và chai chuyền dịch...
Hiện nay, phần lớn các hộ sản xuất tái chế nhựa vẫn nằm tập trung đan xen trong khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Bên cạnh đó, các cơ sở tái chế nhựa đều không có hệ thống xử lý nước thải. Do đó, nước thải từ công đoạn rửa và làm sạch nhựa đến quá trình xay nghiền nhựa được đổ trực tiếp ra cống, rãnh, ao hồ chung của cả làng gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, nguồn đất. Ngoài ra, mùi các loại nhựa thải ra còn làm ô nhiễm bầu không khí, tiếng máy xay nghiền hoạt động ngày đêm gây ô nhiễm tiếng ồn..
Trước thực trạng về ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo quy hoạch thành lập 16 cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung với tổng diện tích quy hoạch là 344 ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Việc di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra các cụm công nghiệp, làng nghề còn gặp rất nhiều trở ngại. Nguyên nhân do nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ không đủ tiền mua đất ở cụm sản xuất nên việc di chuyển rất khó khăn.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải. Nhưng việc triển khai hỗ trợ gặp nhiều khó khăn do không nhận được sự ủng hộ của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình ở làng nghề. Vì khi đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý chất thải sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh nên nhiều cơ sở không đăng ký tham gia dự án hỗ trợ. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ triển khai được 90 cơ sở ở 5 làng nghề trên tổng số 180 cơ sở theo kế hoạch.
Trên thực tế, việc phát triển các làng nghề truyền thống góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tuy vậy, để các làng nghề phát triển bền vững và góp phần bảo vệ môi trường cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và sự thay đổi tư duy sản xuất của người lao động để tham gia vào mô hình làng nghề tập trung theo quy hoạch.