(Tin Môi Trường) - Chỉ sau khoảng 9 tháng quyết liệt triển khai thực hiện Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi, đến nay, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ 64 lò sản xuất vôi gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài tại khu vực Cầu Nghìn (thuộc thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ).
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết việc thực hiện Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi diễn ra ngày 19/1 do UBND tỉnh Thái Bình tổ chức.
Những lò vôi này tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường-Ảnh: DT
Ông Nguyễn Quang Cơ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết, thực hiện Quyết định 3942/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của UBND tỉnh Thái Bình về Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực Cầu Nghìn (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ), các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở sản xuất tháo dỡ lò vôi theo quy định. Trong đó, UBND tỉnh Thái Bình và huyện Quỳnh Phụ đã có cơ chế hỗ trợ đối với chủ lò sản xuất vôi. Tổng kinh phí thực hiện Đề án trên 53,5 tỷ đồng. Kết quả, đến ngày 31/8/2017, 30 chủ lò sản xuất vôi đã đăng ký phá dỡ 64 lò với 115 ruột lò sản xuất, đảm bảo theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra... Chỉ sau gần một tháng đăng ký, toàn bộ 64 lò sản xuất vôi gây ô nhiễm môi trường này đã được phá dỡ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, đặc biệt sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng liên quan tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục các chủ lò sản xuất thực hiện tháo dỡ theo quy định. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình giao thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ có trách nhiệm quản lý đất đai sau khi giải tỏa, tháo dỡ các lò sản xuất vôi.
Thời gian tới, thị trấn An Bài và huyện Quỳnh Phụ khẩn trương giải phóng những vật liệu dư thừa từ việc tháo dỡ các lò vôi. Đến hết tháng 2/2018 dọn sạch những vật liệu dư thừa từ việc tháo dỡ của lò vôi tại khu vực này. Huyện Quỳnh Phụ và các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh sớm công bố quy hoạch sử dụng đất tại khu vực đã tháo dỡ lò vôi. Trước mắt, các đơn vị liên quan tập trung trồng cây xanh trên vị trí đất quy hoạch sau khi giải tỏa vật liệu. Bên cạnh đó, thị trấn An Bài và huyện Quỳnh Phụ tiếp tục nghiên cứu phương án giải quyết việc làm cho người lao động sau khi tháo dỡ lò sản xuất vôi.
Dịp này, UBND tỉnh Thái Bình cũng tặng Bằng khen cho 22 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại Khu vực Cầu Nghìn (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ), góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trước đó, khu vực Cầu Nghìn có 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh vôi với 64 lò thủ công, 115 ruột lò. Các lò này có tổng sản lượng vôi đạt từ 1.100 -1.500 tấn/ngày. Do công nghệ lò thủ công liên hoàn, thô sơ lạc hậu nên hoạt động sản xuất kinh doanh vôi tại đây đã gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe nhân dân và cảnh quan khu vực. Vì vậy, việc xóa bỏ lò sản xuất vôi là vấn đề cấp bách nhằm đảm bảo môi trường, sức khỏe cho người dân, đồng thời đảm bảo hành lang thoát lũ, hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 10.