(Tin Môi Trường) - Ngày 19/1, tại xã ven biển Phước Diêm, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai cho học sinh, với tên gọi “Trường học của Sơn Tinh - Diễn tập ứng phó và hoạt động giáo dục”.
Ảnh minh hoạ: IE
Theo đó, học sinh tại địa phương được cán bộ Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn cách ứng phó bước đầu với các hiểm họa thiên tai có thể xảy ra bất ngờ như: Sấm chớp, lũ lụt, sóng thần… Bên cạnh đó, các em còn được trải nghiệm, thực hành kỹ năng và xử lý những tình huống xấu, học cách sơ cấp cứu ban đầu do thiên tai gây ra…; qua đó nâng cao nhận thức trong phòng chống cũng như rèn luyện kỹ năng ứng phó với thiên tai của học sinh.
Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết: Chương trình được thực hiện góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai cho học sinh, nhất là học sinh vùng biển; qua đó học sinh chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, tránh hiểm họa thiên tai xảy ra.
Theo ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai. Để giảm thiểu những rủi ro, mất mát thì gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần chung tay bảo vệ, giám sát trẻ. Các em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước rủi ro, góp phần bảo vệ xã hội trước thiên tai.
Theo ông Đặng Quang Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng, Tổng cục Phòng chống thiên tai, bình quân hàng năm, thiên tai cướp đi sinh mạng của trên 300 người; trong đó có tới gần 20% là trẻ em. Do đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai cho học sinh, người dân vùng chịu nhiều tác động của thiên tai là rất quan trọng.
Tổng cục Phòng chống thiên tai mong muốn, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai cho trẻ em, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai vào chương trình học các cấp, chương trình ngoại khóa; tăng cường sự giám sát của phụ huynh, giáo dục nhận thức và nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai, nhất là đuối nước, sóng thần cho trẻ em.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai tại tất cả các vùng miền và trong suốt năm. Trong đó, một số loại hình thiên tai như bão, dông lốc, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra. Ngoài ra, với đường bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng do sóng thần gây ra. Để ứng phó với nguy cơ động đất, sóng thần, Chính phủ đã phê duyệt và tổ chức thực hiện “Đề án xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao”, thiết lập hệ thống truyền thông tin cảnh báo sóng thần đến các cấp chính quyền, người dân những vùng có khả năng chịu ảnh hưởng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đánh giá cao nỗ lực, sáng kiến của các cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế giúp Việt Nam tăng cường năng lực trong công tác phòng chống thiên tai, trong đó có chiến dịch “Trường học của Sơn Tinh - Diễn tập ứng phó và hoạt động giáo dục”. Đây là chiến dịch thuộc khuôn khổ dự án khu vực "Nâng cao nhận thức và chuẩn bị ứng phó với sóng thần tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương" do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.