(Tin Môi Trường) - Những cây cổ thụ trăm tuổi cuối cùng trên đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đang dần được hạ xuống để làm dự án cầu Thủ Thiêm 2...
Ngày 19-1, trên đường từ Thủ Đức chạy vào trung tâm quận 1, đến gần cuối đường Nguyễn Hữu Cảnh tôi đã cảm thấy có điều gì đó lạ lẫm.
Đến giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng thì thót tim vì trước mắt là những khoảng trống ngập đầy ánh nắng chói chang. Hàng cây cổ thụ trăm tuổi rợp bóng mát đã gần như biến mất. Một số cây sót lại cũng sắp bị đốn hạ.
Đường Tôn Đức Thắng trước khi hàng cây cổ thụ chưa bị đốn hạ. Ảnh: Zing.
Những khoảng trống sau khi cây cổ thụ bị đốn hạ. Ảnh VIỆT HOA
Những cây cổ thụ trăm tuổi cuối cùng trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 đang dần được đốn hạ để làm cầu Thủ Thiêm 2. Chạy qua đoạn đường này, những gốc cây mới đốn xong còn thơm phức mùi gỗ tươi, ánh lên màu vàng tươi như nghệ. Xe cộ vẫn đông đúc, dòng người vẫn hối hả ngược xuôi, tiếng máy cưa xẻ gỗ vẫn đều đều. Nhiều trong số người đi đường vẫn có chút gì ngơ ngác…
Thông tin phải chặt và di dời 258 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để làm cầu Thủ Thiêm 2 nối từ quận 2 sang quận 1 không phải mới. Sở GTVT và UBND TP.HCM đã thông báo nhiều lần, thậm chí trước khi chặt cây còn phải họp báo công bố giải thích rõ ràng. Việc chặt, di dời 258 cây cũng được chia thành mấy giai đoạn để người ta không bị sốc vì sau một đêm ngủ dậy thấy bóng cây chẳng còn...
Không ít người dân thành phố đã rất tiếc nuối, hụt hẫng khi phải phá bỏ đi một lá phổi xanh mà phải mất hơn trăm năm mới tạo dựng được. Nhưng người dân hiểu, chia sẻ với chính quyền thành phố và chấp nhận thực tế là phải chia tay hàng cây cổ thụ quý giá này để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho sự phát triển!
Chắc cũng chỉ còn vài ngày nữa thôi, đoạn đường Tôn Đức Thắng rợp bóng mát này sẽ trở thành kỷ niệm đẹp trong ký ức của nhiều người.
Cách đầu đường có mấy bước chân là Trường ĐH KHXH&NV, ngôi trường hồi xưa tôi từng học. Ngày ấy, dưới bóng những hàng cây này có mấy quán bò nướng lá lốt mỡ chài ngon bá cháy, lâu lâu trong túi rủng rỉnh đám sinh viên chúng tôi mới dám ghé vào. Hồi đó những dãy quán bò nướng cứ mỗi trưa, mỗi chiều chủ quán cứ mang bò ra vỉa hè nướng, khói bay mù mịt nên chỗ này còn được cánh sinh viên gọi là “dốc mù”. Có đi qua, không đủ tiền vào ăn, chỉ ngửi khói thôi cũng đã thèm.
Sau này, những quán bò lá lốt mỡ chài đã bị dẹp buôn bán lấn chiếm vỉa hè nhưng hương vị của nó thì vẫn còn mãi với những ai đã từng đi qua đoạn đường xanh mát này. Cũng như quán bò nướng, những hàng cây cổ thụ trăm tuổi hôm nay, ngày mai và những ngày sau nữa sẽ chỉ còn lại trong ký ức của người Sài Gòn.
Khi những cây đầu tiên hạ xuống, ai đó đã đặt lên mỗi gốc cây một bông hồng nhung đỏ thắm. Hôm qua, một nhóm bạn trẻ đã đến dùng mực in lại hình những gốc cây vừa bị chặt để lưu lại những ký ức về hàng cây cổ thụ đã gắn bó với những thăng trầm của thành phố cả trăm năm nay.
Người Sài Gòn sẽ còn nhớ thương hàng cây cổ thụ theo cách riêng của mình, bởi sự biến mất của nó sẽ mãi là một khoảng trống mênh mông trong lòng thành phố...
Cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ảnh : Zing
Trước khi bị đốn hạ. Ảnh Internet.
Đường kính mỗi cây cổ thụ khoảng 2 người ôm. Ảnh: Zing
Lực lượng chức năng đang đốn hạ những cây cổ thụ cuối cùng. Ảnh Việt Hoa
Đơn vị đốn hạ cây phải dùng máy cưa cây thành từng phần.
Gỗ của cây sẽ được dùng để làm ghế ngồi
Gốc một cây cổ thụ sau khi đã đốn hạ
Sau khi đốn hạ và di dời 258 cây xanh, nơi đây sẽ là vị trí cầu Thủ Thiêm 2, nối quận 1 và quận 2.