Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Loại trừ chuột hại để không cháy nhà"

(11:12:17 AM 18/01/2018)
(Tin Môi Trường) - “Phát hiện ra chuột khi nhà chưa cháy” và “Loại trừ chuột hại để nhà không bị cháy” cần có những giải pháp quyết liệt, thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị và từ trung ương đến cơ sở.

Thời gian qua, những vụ việc nghiêm trọng, làm xôn xao dự luận như: Vụ gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung làm thủy sản chết (do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, Hà Tĩnh gây ra); vụ do buông lỏng quản lý nên lâm tặc đã đốn hạ, phát dọn 61 ha rừng (ở tiểu khu 1, xã An Hiệp, huyện An Lão, Bình Định); vụ chặt hạ 189 cây pơ mu quý hiếm, với 288 m3 gỗ tròn (ở 2 xã Tam Hợp và Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An); vụ thao túng những khu đất đắc địa ở thành phố Đà Nẵng  (Phan Văn Anh Vũ- Vũ “nhôm”); vụ nổ kho phế liệu ở làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh làm 2 cháu bé thiệt mạng và 8 người bị thương, 10 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn (Nguyễn Văn Tiến thu mua gần 7 tấn  đạn cũ);…

 

Loại trừ chuột hại để không cháy nhà
Ảnh minh hoạ: IE
 
Nhìn chung, những vụ việc này đều có điểm giống nhau là chỉ được phát hiện khi hậu quả lớn đã sảy ra. Dư luận rất bất bình, vì ở địa phương nào cũng có chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhưng những vụ động trời này chỉ bị bại lộ khi hậu quả lớn đã sảy ra. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi, còn có bao nhiêu vụ việc khi chưa sảy ra hậu quả, nhất là những vụ việc làm ô nhiếm môi trường và suy thoái tài nguyên thiên nhiên chưa bị phát hiện? Vì những vụ việc này không gây hậu quả ngay, mà gây hậu quả về sau và tác động xấu lên thế hệ tương lai. Chủ quan mà nói, còn nhiều và rất nhiều những vụ việc, những kẻ tham nhũng chưa bị bại lộ.
 
Các cụ xưa đã quan sát thực tế những vụ tiêu cực trong xã hội, biết được kẻ xấu luôn tìm cách che dấu hành vi sai trái, đến nỗi dân biết, quan biết, ai cũng biết mà vẫn chịu bó tay. Chỉ đến khi những vụ việc ấy gây ra tai họa “nhà bị cháy” thì những kẻ xấu mới bị đưa ra ánh sáng “chuột bị lộ mặt”. Từ thực tế đó, người xưa đã tổng kết thành câu ngạn ngữ hàm ý sâu xa: “Cháy nhà mới ra mặt chuột”. Nhân dân cho rằng, trong thực tế hiện nay còn nhiều “con chuột” chưa bị lộ mặt khi nhà chưa bị cháy.
 
Gần đây, người dân rất phấn khởi và tin tưởng vào việc Đảng, Nhà nước quyết tâm cao để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Những vụ án lớn đã đang và sẽ được đem ra xét xử; những cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật làm nức lòng dân, niềm tin của nhân dân vào Đảng và  Nhà nước đang được khôi phục. Song, người dân mong muốn cuộc đấu tranh chống tham nhũng được thực hiện theo phương châm: “Nhà không cháy mà chuột vẫn lộ mặt”. Nhân dân mong muốn cháy bỏng là làm thế nào để những kẻ tham nhũng bị phát hiện và xử lý khi hậu quả chưa sảy ra. Làm được như vậy, không những lôi được những kẻ tham nhũng ra ánh sáng, mà còn ngăn ngừa được hậu quả đáng tiếc sẽ sảy ra.
 
Trao đổi với một số người dân, tôi được biết, nhân dân ta đánh giá:  bắt được “chuột” khi nhà bị cháy đã là một việc tốt, nhưng sẽ tốt hơn khi bắt được “chuột” mà nhà không bị cháy, tốt hơn nữa và tốt nhất vẫn là loại trừ được “chuột” để nhà không bao giờ bị cháy.
        
Để làm được việc: “Phát hiện ra chuột khi nhà chưa cháy”  “Loại trừ chuột hại để nhà không bị cháy” cần có những giải pháp quyết liệt, thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị và từ trung ương đến cơ sở.
 
Theo tôi, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất: Làm tốt công tác cán bộ, từ khâu phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giao việc, đánh giá và đề bạt những người đủ tâm và đủ tầm vào các cương vị lãnh đạo; Thứ hai: Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chức trách và thẩm quyền của cán bộ. Phối hợp đồng bộ các kênh kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng  và cộng đồng dân cư đối với cán bộ các cấp; Thứ ba: Làm triệt để việc kê khai tài sản của cán bộ và phát động cuộc vận động cán bộ tự khai báo những việc làm sai trái. Có cơ chế khuyến khích cán bộ tự nhận khuyết điểm và đề ra hướng khắc phục; Thứ tư: Xử lý nghiêm khắc những cán bộ kê khai tài sản không trung thực và những cán bộ không tự khai báo sai phạm trước đây của mình.
TS. Trần Văn Miều - Trưởng ban Truyền thông Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam