(Tin Môi Trường) - Sau khi chi trả cho các phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng hai trong năm người tiêu dùng Việt được khảo sát cho biết sẵn sàng chi tiêu cho du lịch, tương ứng tỷ lệ 44%.
Người Việt đang ngày càng muốn đi du lịch nhiều hơn. Trong ảnh: đoàn khách Việt đang chụp hình lưu niệm tại Hội An - Ảnh: N.Bình
Khảo sát của Nielsen mới đây về niềm tin người tiêu dùng trong quý 3-2017 cho thấy, sau khi chi trả cho các phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng hai trong năm người tiêu dùng Việt nói họ sẵn sàng chi tiêu cho du lịch, tỉ lệ này tương ứng 44%, và mức này tăng 6% so với quý quý 2-2017.
Tiền nhàn rỗi cũng được người tiêu dùng VN dành cho mua sắm quần áo mới, mua các sản phẩm công nghệ mới, sửa chữa nhà cửa và các dịch vụ giải trí bên ngoài…
Như vậy, cùng với xu hướng tiết kiệm, người tiêu dùng tại Việt Nam tiếp tục sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào các khoản mục lớn để nâng cấp chất lượng cuộc sống của mình.
Trong khi đó, với câu hỏi danh mục mà người tiêu dùng muốn cắt giảm để tiết kiệm thì đa số cho biết họ ưu tiên cắt giảm chi tiêu dịch vụ bên ngoài, mua sắm quần áo mới, cắt giảm chi phí điện, ga hoãn nâng cấp các thiết bị công nghệ… Du lịch vẫn là ưu tiên nên không muốn phải cắt giảm.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, tổng giám đốc Nielsen Vietnam, điều này cho thấy người tiêu dùng Việt khao khát một cuộc sống chất lượng hơn và họ đang từng bước từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho điều này ngay từ bây giờ.
Cho đến nay, VN vẫn chưa có công bố số liệu chính thức về người Việt đi du lịch tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cho rằng thu nhập tăng cùng với sự phát triển mạnh của internet, mạng xã hội đã kích thích nhu cầu đi du lịch của người Việt thời gian gần đây.
Sự phát triển này đã đưa các thông tin điểm đến, thông tin về cách đi, đặt phòng, mua vé may bay… trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo của Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng VN vẫn tiếp tục cho thấy sự lạc quan và tự tin trong suốt năm 2017. Xu hướng đồng nhất này chính là kết quả của sự lạc quan về khả năng tài chính cá nhân cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng lạc quan của nền kinh tế, đi kèm với sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu nhập hộ gia đình và tỷ lệ thất nghiệp giảm cũng là những tín hiệu tích cực để giúp người Việt trở nên lạc quan và tự tin hơn.