(Tin Môi Trường) - Ngày 12/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết đã có quyết định phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng 10/2016 cho 13 hộ dân tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Ảnh:IE
Theo đó, hỗ trợ về cây trồng gồm ngô, rau màu hơn 14 ha và cây trôm hơn 3 ha bị thiệt hại 70% với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng; 57 nhân khẩu của 13 hộ dân được hỗ trợ gạo trong 3 tháng hơn 38 triệu đồng và được hỗ trợ nước sinh hoạt trong 330 ngày hơn 45 triệu đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ do Tổng Công ty phát điện 3 chi trả.
Trước đó, vào tháng 2/2017, một số hộ dân sinh sống tại khu vực sân xe Chùa Linh Sơn Tự, phía Tây Nam bãi thải xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) phản ánh về tình trạng cây trồng lâu năm và hoa màu bị chết, nước giếng nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến đời sống. Để xác định nguyên nhân dẫn đến ngập úng, cây chết, nước bị nhiễm mặn, UBND tỉnh Bình Thuận đã chọn đơn vị độc lập là Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện.
Qua các kết quả khảo sát và nghiên cứu, Viện Môi trường và Tài nguyên kết luận: Trong năm 2016 lượng mưa tại khu vực này gia tăng đột biến so với các năm từ 2012-2015 nên đã góp phần thúc đẩy nhanh sự ngập úng; điều kiện tiêu thoát nước ở khu vực kém, hệ thống cống thoát nước bề mặt ngang qua tuyến đường sắt Bắc – Nam không được duy tu bảo dưỡng tốt, cây cối mọc nhiều phía trước miệng cống làm cản trở dòng chảy, giảm năng lực thoát nước, từ đó góp phần làm gia tăng mức độ ngập úng tại khu vực. Do chưa có tuyến kênh thoát lũ ngoại lai ở phía Bắc bãi xỉ nên nước mưa từ trên sườn núi cao đổ xuống không có đường tiêu thoát, bị thấm hết xuống đất làm gia tăng dòng chảy ngầm và mực nước ngầm tầng nông. Sự hình thành bãi thải xỉ làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ và gây ra ngập úng.
Về nguyên nhân làm gia tăng hàm lượng clorua trong các hồ chứa nước của bãi xỉ là do quá trình bốc hơi nước trong thời gian dài từ lượng nước được dùng để trộn ẩm tro và nước tưới giữ ẩm bề mặt bãi xỉ dẫn đến lượng muối bị tích tụ trên bề mặt, khi trời mưa làm trôi lượng muối tích tụ này xuống các hồ chứa 24.000 m3 và 29.000 m3. Ngoài ra, trong tháng 4-5/2015, do tình hình khô hạn nên hồ Đá Bạc không có nước cung cấp để xử lý sự cố phát tán bụi, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân buộc phải sử dụng thêm các nguồn nước khác để dập bụi trong những tình huống khẩn cấp và tưới giữ ẩm cho bãi xỉ (chủ yếu là mua nước từ các xe bồn được lấy trong khu vực xã Vĩnh Tân và xã Vĩnh Hảo). Tuy nhiên, chất lượng nước được mua từ các xe bồn chưa thể kiểm soát được về độ mặn.
Nguyên nhân gây nhiễm mặn khu vực xung quanh bãi xỉ hoàn toàn không có nguồn gốc nào từ tự nhiên mà chủ yếu là do tác động của con người. Cụ thể, nguồn nước ngầm ở khu vực này trước đây dùng được cho ăn uống (tức là không bị nhiễm mặn hoặc lợ) và địa hình khu vực này có độ cao từ 12m trở lên so với mực nước biển, các nhánh suối nhỏ trong vùng không bị ảnh hưởng của thủy triều nên khả năng xâm nhập mặn từ biển vào khu vực này là hoàn toàn không có (do độ chênh lệch địa hình khá lớn) mà do tác động của con người là chính.
Tại khu vực dọc theo các tuyến đường mòn phía Tây và phía Bắc bãi xỉ có những đống đất cát có lẫn san hô. Hiện tượng đổ đất ở đây được ghi nhận từ năm 2016 do quá trình thi công các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Kết quả phân tích 18 mẫu đất cho thấy các mẫu đất đổ đống có giá trị pH từ 6,04 – 9,05, hàm lượng clorua (Cl–) từ 25 – 2235 mg/kg, độ mặn từ 0,22 – 1,43 ‰. Các đống đất này có nguồn gốc từ phía ven biển đưa lên, mang theo một hàm lượng muối nhất định trong đó. Theo thời gian, khi gặp mưa, độ mặn trong đất bị rửa trôi theo nước mưa, một phần chảy tràn trên bề mặt xuống khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ, một phần thấm xuống đất đi vào tầng nước ngầm mạch nông, từ đó góp phần gây nhiễm mặn cho khu vực xung quanh.
Về nguyên nhân cây trồng bị chết, qua khảo sát thực tế cho thấy đa số cây trôm của 5 hộ dân (với diện tích trồng khoảng 4,63 ha) đều có hiện tượng trụi lá, khô cành; một số cây còn lại tuy vẫn ra lá non nhưng bộ rễ đã bị hư thối (rễ cây khi nhổ lên có màu trắng đục và bốc mùi hôi thối khó chịu), một số cây khác tuy vẫn còn đầy đủ lá xanh nhưng bộ rễ đã bị hư thối, không còn ra mủ hoặc mủ cũng bị hư thối. Kết quả phân tích mẫu đất kết hợp với ghi nhận tại hiện trường cho phép lý giải nguyên nhân cây trôm bị chết chủ yếu là do bị ngập úng nước.
Từ kết quả công bố này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đề nghị Tổng Công ty phát điện 3 thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng, ngăn ngừa việc nhiễm mặn nước dưới đất, nước mặt trong khu vực; triển khai thực hiện kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng và đề xuất biện pháp hỗ trợ để sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân tại khu vực.