Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ Tin ảnh

(17:29:36 PM 04/01/2018)
(Tin Môi Trường) - Hiện nay, bên cạnh phương pháp bẫy chim bằng lưới sập, những tay thợ “săn” thiện nghệ còn không ngừng cập nhật các “tiến bộ” của công nghệ để nâng cao hiệu quả tận diệt.

Chỉ với chiếc xe máy cùng với bộ đồ nghề bẫy chim khá đơn giản, gồm một cây cần tự chế dài khoảng 4 - 5 mét có thể rút ngắn hay kéo dài ra, 2 - 3 thanh nhôm làm thanh ngang bôi nhựa, lồng đựng chim và một chiếc máy MP3 gắn thẻ nhớ là có thể săn bắt chim trên khắp mọi địa hình.

 
“Đánh chim kiểu này được cái tiện lợi, không mất nhiều thời gian và công sức như lưới sập. Có điều chi phí bỏ ra để mua nhựa không hề rẻ”, một tay thợ săn tiết lộ.
 
Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ
Vừa đáp xuống thanh nhôm, những con chim xấu số ngay lập tức dính nhựa và bị lộn ngược.
 
Cũng theo người này, hiện nay một kg nhựa mua với giá 1,5 triệu đồng. Và muốn có hàng thì chỉ cần lên mạng đặt là sẽ có ngay. Sở dĩ nó đắt hơn các loại nhựa thông thường là vì độ kết dính cao, không bị nóng chảy dưới trời nắng và đặc biệt là có thể tái sử dụng.
 
Trước đây khi lưới sập vẫn còn được dùng phổ biến để đánh chim sẻ, cánh thợ săn thường lui tới các điểm như bãi đất trống trên đồng hoặc khu dân cư, trường học, nhà máy xay xát... Bây giờ khi có sự trợ giúp của công nghệ thì họ mở rộng địa bàn hoạt động lên cây, lên cột điện... Thậm chí chỉ cần cột bẫy vào khung xe, để dựng đứng bên đường là đã có thể ngồi chờ... “hái” chim trời.
 
Sau một hồi rong ruổi, ông N.V.N (ngụ tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) dừng lại bên một nghĩa trang. Mất chưa đầy 5 phút, mọi thứ đồ nghề đã được ông N. bố trí xong xuôi. Rồi ông rảo bước thật nhanh đi tìm nơi ẩn nấp và chờ đợi.
 
Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ
Chỉ cần cột bẫy vào khung xe, để dựng đứng bên đường là đã có thể ngồi chờ... “hái” chim trời.
 
Từ chiếc máy MP3 nhỏ gọn, tiếng hót líu lo của chim sẻ mồi phát ra rất ngọt, rất trong. Nghe tiếng gọi của đồng loại, chỉ trong giây lát những con chim đầu tiên đã bay về. Một, hai rồi ba con... vừa đáp xuống thanh nhôm, ngay lập tức dính nhựa và bị lộn ngược.
 
Mọi sự cố gắng của chúng đều trở nên vô ích, càng giãy giụa chúng càng bị lún sâu. Điều đáng nói là những con chim ngây thơ sau đó cũng chẳng kịp nhận ra cái bẫy chết chóc ấy, mà vẫn tiếp tục lao vào như con thiêu thân.
 
Chừng 20 phút trôi qua, quan sát thấy số chim kiếm được đã “đủ dùng” ông N. vội vã trở về hạ chiếc cần xuống. Lúc này những con chim mắc bẫy hoảng loạn tột cùng, chúng vẫy vùng để thoát ra nhưng không thể. Lần lượt từng con bị bàn tay thô ráp, lạnh lùng của người thợ săn xé ra khỏi lớp nhựa bám dày trên thanh nhôm, tống vào lồng đựng. Mình mẩy con nào cũng bị rướm máu, những thân hình nhỏ nhoi như run lên bần bật trong đau đớn và tuyệt vọng.
 
Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ
Bị xé ra khỏi lớp nhựa bám dày trên thanh nhôm, những con chim mắc bẫy hoảng loạn tột cùng.
 
“Mẻ này được gần chục con, thế là khá rồi chứ có mẻ chả được con nào đâu!”. Ông N. vừa hí hửng nói vừa thu dọn đồ nghề, bởi vì ông là người hơn ai hết hiểu được tính nết của loài chim sẻ.
 
Sẽ chẳng dễ gì để cái bẫy chết chóc ấy có thể đánh lừa thêm một con chim nào ở đây được nữa. Và rồi ông N. lại tiếp tục rong ruổi tới những vùng đất mới. Cũng vẫn quy trình ấy, cũng vẫn tiếng chim ấy, nỉ non, tha thiết gọi đồng loại. Niềm vui của một tay thợ săn lại được nhóm lên từ trong tiếng kêu như xé ruột, xé gan của những sinh linh vô tội.
 
Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện nay cách thức đánh chim theo kiểu tận diệt như ông N. không phải là hiếm gặp. Mỗi chuyến đi săn, một tay thợ có thể bắt được từ năm đến bảy chục con chim. Nếu chịu khó đi xa, đến những nơi hoang dã chưa có ai đánh thì những con chim xấu số sẽ không dừng lại ở con số hàng chục.
 
Trong số này một lượng chim ít ỏi được bán cho các điểm phóng sinh, số lớn còn lại thì bán cho các quán nhậu với giá từ 4 - 5 ngàn đồng/con. Số tiền mỗi tay thợ kiếm được không dưới 200 ngàn đồng/ngày. Với người nông dân chân lấm tay bùn thì đó là khoản thu nhập khá. Tuy nhiên tác hại đeo đẳng đằng sau nó sẽ không phải chỉ ở nhãn tiền. Bởi chim sẻ là thiên địch của sâu bọ, tận diệt chim sẻ đồng nghĩa với việc phá vỡ cân bằng sinh thái, hủy hoại môi trường.
 
Xin hãy để tiếng chim còn hót trong cuộc đời này, để biết rằng chúng ta vẫn đang sống!
 
Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ

Công đoạn quấn nhựa vào thanh sắt để bẫy chim.
Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ
Cùng với một chiếc điện thoại ghi âm tiếng chim sẻ mở ra thì những con chim gần đó nghe tiếng sà xuống.
Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ
Và chúng đã sập bẫy kẻ săn chim.
Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ
Lông chim sẻ bị dính vào phần nhựa.
Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ
Chúng được bắt bỏ vào lồng sau khi dính nhựa.
Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ
Thành quả là một lồng chim sẻ.
Theo chân thợ săn tận diệt chim sẻ
Chim sẻ được thợ săn đem thịt lấy máu pha rượu uống.
(Duy Hòe/báo Dân trí)