(Tin Môi Trường) - Tuyết tan nhanh trên dãy Apls khiến nhiều resort phải dùng tuyết nhân tạo, trong khi các rạn san hô ở Thái Bình Dương cũng có nguy cơ xoá sổ.
Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến du lịch ngày càng biểu hiện rõ rệt, điển hình là sự thay đổi trên dãy Apls và quốc đảo Kiribati giữa Thái Bình Dương.
Tuyết ngày càng tan chảy trên đỉnh Alps khiến chính quyền phải dùng tuyết nhân tạo. Ảnh: Time.
Một Alps tan chảy
Theo thống kê được tờ Time trích dẫn, mùa tuyết phủ trên dãy Alps trong giai đoạn 1960 đến 2017 đã bị rút ngắn lại 38 ngày do tình trạng ấm lên toàn cầu. Trong đó, tuyết rơi chậm hơn 12 ngày và kết thúc sớm hơn 26 ngày so với bình thường. Trong đó, mùa tuyết 2015-2016, ở sườn nam dãy Alps trên đất Pháp, lượng tuyết chỉ bao phủ 20% độ dày so với bình thường.
Nhiệt độ tăng khiến vành đai phủ tuyết ngày càng thu về phía đỉnh. Thay vì trước kia các tầng núi thấp hơn trên dãy núi này tuyết rơi ngập, nay từ độ cao 1.188m trở lên, một số khu thậm chí còn cao hơn tuyết mới phủ.
Những đổi thay về khí hậu đó, không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan mà còn khiến ngành du lịch nghỉ dưỡng, trượt tuyết nơi đây lâm cảnh khốn cùng.
Lối vào khu ski resort không còn tuyết phủ. Ảnh: Time.
Theo thống kê toàn cầu, ngành công nghiệp du lịch phục vụ trượt tuyết kết hợp nghỉ dưỡng ở khu vực dãy Alps chiếm đến 44% lượng khách của loại hình này, mỗi năm đạt doanh thu 70 tỷ USD. “Thử tưởng tượng nền văn hoá và kinh tế xứ Caribbean mà không có nước và các bãi biển. Đó cũng là điều xảy ra khi dãy Alps cùng nền văn hoá và kinh tế gắn liền với nó khi không còn tuyết”, cây bút Jeffrey Kluger cảnh báo.
Hiện nay chính quyền đang triển khai các máy tạo tuyết ở đây. Nhưng tuyết nhân tạo không bao giờ có được vẻ đẹp của tuyết tự nhiên. Tuyết ít phủ và nhanh tan khiến các dịch vụ ăn theo của loại hình trượt tuyết đi kèm nghỉ dưỡng điêu đứng. Doanh thu ngày càng teo tóp là thực trạng chung của các ski resort trên toàn cầu khi trái đất ấm dần lên.
Đảo san hô ở Thái Bình Dương có nguy cơ biến mất
Kiribati, quốc đảo nằm giữa Thái Bình Dương, nổi tiếng với những bãi tắm đẹp không kém Hawaii, và tập trung nhiều rạn san hô tuyệt đẹp thu hút du khách. Nhưng nay ngành du lịch Kiribati đang chững lại khi chính quyền những năm qua phải đối mặt với thực trạng nước biển dâng, khiến nơi đây có nguy cơ bị nuốt chửng.
Nước biển xâm thực đang gây xói mòn bờ biển, nhiễm mặn nguồn nước giếng, đất nhiễm mặn khiến mùa màng thất thu. 33 đảo san hô trải dài trên Thái Bình Dương của quần đảo này, với diện tích lớn hơn Ấn Độ có nguy cơ bị xoá sổ cả về cảnh quan lẫn lợi thế thiên nhiên về du lịch.
Trẻ em chơi đùa trước bờ kè thô sơ bằng bao cát chắn biển. Ảnh: NG.
National Geographic phân tích: Nước biển ngày càng dâng lên và ấm hơn cùng quá trình acid hoá nước khiến tốc độ phát triển của san hô chậm lại, thậm chí là dừng hẳn. Hệ thống sinh vật cung cấp cho sự phát triển của san hô cũng bị ảnh hưởng. Các rạn san hô nơi đây đang mất dần. Ngành du lịch nơi đây cũng đang dần "hấp hối".
Thuật ngữ “di dân khí hậu” tưởng chừng xa lạ nay hiện hữu càng rõ rệt. Từ những cơn bão cát khô khốc của quá trình hoang mạc hoá khu vực phía bắc thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), tuyết dần tan trên các đỉnh núi cao đến những trường hợp “chìm dần xuống biển” như Kiribati cho thấy ngành du lịch ngoài việc phát triển bềnh vững, còn cần chung tay cùng cộng đồng gióng hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu.