(Tin Môi Trường) - Những câu chuyện đòi xử phạt người viết facebook vì những dòng chữ vu vơ phản ánh rất rõ sự thiếu hiểu biết luật pháp, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, nên dẫn tới lạm quyền, gây phiền nhiễu cho người dân.
Vụ một người dân viết trên facebook chê Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có "cái mặt kênh kiệu" nên bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng và kỷ luật, sau đó, chính quyền phải rút lại quyết định xử phạt vẫn còn là một điển hình về cách hành xử tùy tiện, cảm tính của một số người trong bộ máy công quyền.
Tưởng rằng, sự “nổi tiếng” của vụ việc đủ sức răn đe những người tùy tiện trong hành xử với dân, thế nhưng mới đây, vẫn liên tiếp xảy ra những chuyện tương tự.
Ngày 26.12, một tài khoản Facebook đã phản ứng gay gắt sau khi nhận được văn bản “mời làm việc” của Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông thành phố Cần Thơ. Công văn này do ông Nguyễn Việt Thanh - Chánh Thanh tra Sở này ký, mời chủ tài khoản facebook này lên làm việc vào ngày hôm nay (28.12) vì lý do “liên quan đến việc đăng thông tin sai lệch trên mạng xã hội Facebook về cổng đường đèn nghệ thuật - xuân Mậu Tuất 2018 của thành phố Cần Thơ đoạn đường Hòa Bình và đường 30-4”.
Cổng chào mừng Xuân của thành phố Cần Thơ.
Tôi vào tài khoản facebooker này tìm hiểu thì thấy, trước đó, tài khoản có đăng bức hình về chiếc cổng đèn đường nhiều màu sắc của thành phố Cần Thơ, bên cạnh có một hình ma-nơ-canh mặc “quần chip” với dòng chữ “Ai đi Cần Thơ, đến chỗ này thì nhớ là vừa chui qua rồi ghé vào bên phải là tiệm bán sim số May Mắn của em để mua sim cho may mắn đó nghe hôn. P/s: Ngay ngã 3 Quang Trung với 30-4 nhé!”
Không hiểu Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ nghĩ gì khi nhìn bức hình đó mà cho rằng là “thông tin sai lệch”. Vì status đó không bình luận một lời nào về “cổng đường đèn nghệ thuật” này, chỉ là “hướng dẫn” khách hàng một cách hóm hỉnh, vu vơ thế thôi.
Công văn "mời lên làm việc" của Sở Thông tin Truyền thông thành phố Cần Thơ
Có thể Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ quá nhạy cảm, nhưng cũng không thể vì thế mà mời làm việc hay xử lý chủ tài khoản facebook được.
Sự việc chỉ có thế mà Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ cho rằng “đăng thông tin sai lệch về cổng đường đèn nghệ thuật” thì quả nực cười.
Nếu đúng tài khoản facebook này có ý ngầm so sánh cái cổng đường giống chiếc “quần chíp” thì đó là quyền suy nghĩ, thẩm định của anh ta, thuộc về thẩm mỹ cá nhân. Giống như nghe một đoạn nhạc, tôi hình dung ra khu rừng già đầy gió, người khác lại tưởng tượng là thác nước, âu cũng là chuyện bình thường.
Vì thế, tôi tin sẽ không dễ trả lời trước câu hỏi hoàn toàn chính xác của chủ tài khoản này: “Xin hỏi ông tôi đăng cái nội dung này nó có gì là “đăng thông tin sai lệch”? Nếu ông vào đây nói rõ nó sai chỗ nào hợp lý tôi sẽ điều chỉnh…Mà tôi yêu ghét, khen chê là do nhân sinh quan của tui chứ mắc cái gì ông có cái quyền can thiệp hay sao?”
Cách đây vài hôm, Sở Thông tin -Truyền thông Lâm Đồng cũng cho biết sẽ cử lực lượng Thanh tra Sở kiểm tra và xử lý cá nhân, tập thể đăng tin Đà Lạt có tuyết rơi mà Sở này gọi là “tung tin sai sự thật”. Trong khi thực tế chỉ là một Facebook đăng một status rằng “Đà Lạt lần đầu có tuyết rơi trắng trời, đi làm không kịp chuẩn bị đồ ấm giờ lạnh cóng người”.
Sở Thông tin Truyền thông Thừa - Thiên Huế đã phải ra quyết định hủy bỏ xử phạt bác sỹ Hoàng Công Truyện vì "nói xấu Bộ trưởng Bộ Y tế" trên facebook.
Rồi tháng 10.2017, bác sĩ Hoàng Công Truyện ở Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng bị xử phạt 5 triệu đồng vì có lời chê Bộ trưởng Bộ Y tế trên Facebook.
Những câu chuyện đòi xử phạt người viết Facebook vì những dòng chữ không phạm luật như thế đã phản ánh rất rõ sự thiếu hiểu biết luật pháp, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, nên đã không hiểu được quyền hạn, nhiệm vụ của mình đến đâu và quyền của người dân ra sao, dẫn đến có dấu hiệu lạm quyền, gây phiền nhiễu cho người dân.
Trong trường hợp nêu trên, Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ đã không định nghĩa nổi thế nào là “đăng thông tin sai lệch” nên mới “đánh” một cái giấy mời gây phản ứng như thế. Còn trường hợp ở Đà Lạt, cũng không hiểu Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng căn cứ vào đâu để định xử lý tài khoản nói Đà Lạt có tuyết, khi việc này không “xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...." nào?
Trường hợp bác sĩ Truyện, khi cho rằng “tài khoản Facebook Hoàng Công Truyện đã lan truyền thông tin bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y tế” là ông Chánh Văn phòng Bộ Y tế cũng không hiểu thế nào là xúc phạm, gây mất uy tín người khác. Hệ quả là Sở Y tế và cả Sở Thông tin Truyền thông Thừa - Thiên Huế xử phạt và kỷ luật vị bác sĩ này và đó mới chính là gây mất uy tín và xúc phạm bác sĩ Truyện.
Rồi sau đó, Bộ Thông tin Truyền thông đã yêu cầu Sở này rút lại việc xử phạt và công khai xin lỗi bác sĩ Truyện.
Đã qua rồi cái thời cứ làm cán bộ quản lý nhà nước là có “quyền sinh quyền sát” với người dân, bất kể đúng sai.
Giờ đây, người dân biết được quyền của mình ra sao, lại có mạng xã hội với hàng triệu người am hiểu luật pháp, cùng giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan công quyền.
Vì thế, các cán bộ nhà nước nhất là những người thường xuyên làm việc tiếp xúc với dân - chớ có hành xử tùy tiện, mà phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, đào tạo và rèn luyện mình, để thực sự phục vụ nhân dân chứ không phải săm soi, hơi tí là “đe nẹt” người dân.