Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nghiên cứu điều trị tiểu đường bằng bí đao non

(19:58:14 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Sau 30 ngày được ăn 1g bí đao non/con/ngày, kết hợp với uống nước nấu từ bí đao non, những con chuột nhắt trắng bị bệnh tiểu đường bắt đầu ổn định đường huyết. Đó là kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Sinh - Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Sau 30 ngày được ăn 1g bí đao non/con/ngày, kết hợp với uống nước nấu từ bí đao non, những con chuột nhắt trắng bị bệnh tiểu đường bắt đầu ổn định đường huyết. Đó là kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Sinh - Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Bí đao đang được hy vọng trở thành loại quả giúp ổn định đường huyết bệnh nhân tiểu đường. (Ảnh: Hải Nhung)

Ngày 14/11, cử nhân Trương Hải Nhung - cán bộ trẻ của Khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết như trên.

 

Chị Nhung cho biết, nghiên cứu này bắt nguồn từ một bài thuốc dân gian. Người bị tiểu đường nên uống nước luộc từ những trái bí đao non (Benincasa Hispida).

 

Do đó, nhóm nghiên cứu của chị đã đưa quả bí đao vào để nghiên cứu với đề tài "Xây dựng mô hình bệnh lý tiểu đường trên chuột và khảo sát khả năng ổn định đường huyết của trái bí đao non."

 

Nghiên cứu này đã tập trung vào xây dựng một mô hình động vật mắc bệnh tiểu đường và ứng dụng mô hình này để kiểm tra khả năng ổn định đường huyết của các loại dược liệu, cụ thể, trái bí đao non.

 

Động vật sử dụng trong nghiên cứu này là loại chuột nhắt trắng, sạch bệnh do Viện Pasteur TP.HCM cung cấp. Chuột nhắt sau khi làm cho bị mắc bệnh, sẽ được ăn bí đao non trong vòng 30 ngày.

 

Trong giới hạn của thời gian khảo sát (một tháng), nhóm nghiên cứu bước đầu nhận thấy, việc cho ăn bí đao non với liều 1g/con/ngày, kết hợp với uống nước nấu từ bí đao non có tác dụng ổn định đường huyết của chuột.

 

Từ ngày 0 đến ngày thứ 20, đường huyết của những con chuột bệnh có xu hướng giảm và đến ngày 30, giá trị đường huyết của chuột bệnh ở một mức không quá cao so với đường huyết của chuột bình thường (75 ±7mg/dl).

 

Tiểu đường là một nhóm các hội chứng liên quan đến nồng độ đường huyết, và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO), trong vòng 20 năm tới, chỉ tính riêng châu Á, số người mắc bệnh tiểu đường lên đến 330 triệu người.

 

Đề tài nghiên cứu này đã được báo cáo trong hội nghị khoa học lần thứ sáu của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức vào ngày 14/11. Hội nghị này tổ chức dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học của hai năm học 2006-2007 và 2007-2008, với gần 390 đề tài nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau.

 

Từ kết quả của hội nghị, các báo cáo xuất sắc sẽ được chọn lọc, phản biện độc lập để công bố thành các bài báo khoa học trong Tạp chí Phát triển Khoa học - Công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM.

(Theo Vietnamnet)