(Tin Môi Trường) - Nhiệt độ mặt nước biển, tác động của không khí lạnh được cho là hai yếu tố hàng đầu làm bão Tembin (bão số 16) di chuyển lệch nam và suy yếu nhanh.
"Rất may mắn cho người dân miền Tây khi bão lệch nam và suy yếu nhanh, vì người dân khu vực này vốn ít có kinh nghiệm trong phòng chống bão", ông Lê Thanh Hải - phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia nhận định ngày 27-12.
Dự báo đường đi của bão Tembin được phát ngày 23 và ngày 25-12 - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
Theo ông Hải, tất cả các mô hình dự báo quốc tế và trong nước đều nhận định bão sẽ đổ bộ vào khu vực Nam bộ với cấp độ rủi ro cao nhất.
Khi đi qua Trường Sa, bão đạt giá trị cực đại với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14 (thực tế này cũng trùng với các mô hình dự báo ngày 24-12).
Cũng vào thời điểm này, qua theo dõi thấy khí áp của bão sau khi qua đảo Huyền Trân không mạnh lên mà còn có xu hướng giảm nên có 30% khả năng bão có dấu hiệu yếu đi.
Tuy nhiên ở góc độ cảnh báo, đặc biệt người dân khu vực miền Tây Nam Bộ vốn ít có kinh nghiệm phòng chống bão nên yêu cầu từ Trung ương phải đặt mức cảnh báo rủi ro cao nhất.
Nhưng điều gì làm cho bão gần Côn Đảo thì suy yếu nhanh và di chuyển lệch nam?
Theo ông Hải, ở mỗi thời điểm dự báo và cập nhật lên các mô hình có thể sẽ có những sự thay đổi. Những thay đổi này do rất nhiều yếu tố.
Thứ nhất, nhiệt độ mặt nước biển vào sâu bên trong thì giảm. Cụ thể khi bão đạt giá trị cực đại, ở khu vực đảo Trường Sa nhiệt độ mặt nước biển 28-30 độ C, trong khi vào gần khu vực Côn Đảo nhiệt độ giảm xuống còn 26-27 độ C.
Bão Tembin lệch nam và suy yếu nhanh là điều may mắn cho người dân miền Tây vốn ít có kinh nghiệm phòng chống bão - Ảnh: Windy
Như đã biết, nhiệt độ mặt nước biển từ 27 độ C trở lên là điều kiện lý tưởng cung cấp năng lượng cho bão.
Thứ hai là tác động của không khí lạnh. Dù đợt không khí lạnh tăng cường không mạnh nhưng tác động dần, cùng với yếu tố nhiệt độ mặt nước biển giảm nên làm bão suy yếu và di chuyển lệch nam.
"Bão Tembin là một trong những dạng điển hình của dạng bão bất thường không còn theo kinh nghiệm dân gian nữa. Bởi hơn 40 năm qua chưa từng xuất hiện cơn bão mạnh vào cuối tháng 12.
Những yếu tố bão dị thường này tần suất lặp lại càng nhiều. Quan niệm khu vực Nam bộ là 'vùng đất thánh' bão không vào được không còn đúng nữa.
Cụ thể năm 1997 có cơn bão Linda, năm 2006 có cơn bão Durian. Đến năm 2012 có cơn bão Pakhar và năm 2017 là bão Tembin", ông Hải nói.
Năm 2017 cũng là năm ghi nhận kỷ lục về số lượng bão vào áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Nếu như năm 2013 xuất hiện 19 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông thì năm nay đã có 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.
"Bão Tembin là một trong những dạng điển hình của dạng bão bất thường không còn theo kinh nghiệm dân gian nữa. Bởi hơn 40 năm qua chưa từng xuất hiện cơn bão mạnh vào cuối tháng 12. - Ông Lê Thanh Hải".
Sau Tết dương lịch lại có bão
Theo dự báo, sau Tết dương lịch sẽ tiếp tục có cơn bão với điểm xuất phát ở trên vĩ độ 10, cao hơn điểm xuất hiện của bão Tembin.
Dự báo cơn bão này di chuyển về hướng các tỉnh Nam Trung Bộ nhưng nhiều khả năng sẽ suy yếu.
Theo thống kê đây là cơn bão số 1 của năm 2018 nhưng thực tế là bão sót lại của năm 2017.