Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 - TP.HCM vừa thành công trong việc hồi phục bệnh nhân bị liệt nửa người do đột quỵ bằng cách đưa thuốc trực tiếp làm tiêu huyết khối qua đường động mạch. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam áp dụng phương pháp này.
Bệnh nhân Nguyễn Thị N.P đã cử động được trởl ại. (Ảnh: H.Cát)
Chỉ một ngày sau khi được các chuyên gia đột quỵ ở ở Khoa Bệnh lý Mạch máu Não - BV Nhân dân 115 đưa thuốc tiêu sợi huyết trực tiếp làm tan khối huyết ở gây tắc ở não qua đường tĩnh mạch, bệnh nhân Nguyễn Thị N.P. (38 tuổi) có thể hồi phục lại các cử động. Trước đó, chị N.P. bất ngờ ngã ở chỗ làm và bị liệt nửa người.
"Bệnh nhân được chuyển cấp cứu từ BV Thủ Đức về trong ba giờ đồng hồ, nên thoạt tiên chúng tôi dùng phương pháp đưa thuốc vào làm tan cục huyết khối bằng đường tĩnh mạch. Nhưng kết quả không đạt, do đó chúng tôi buộc phải áp dụng biện pháp đưa thuốc trực tiếp lên động mạch não, nơi tắc nghẽn từ động mạch đùi," ThS. BS. Nguyễn Huy Thắng - Chuyên khoa Đột quỵ, khoa Bệnh lý Mạch máu Não, BV Nhân Dân 115, cho biết.
Một bệnh nhân khác là bệnh nhân nam 54 tuổi, đang chờ mổ tim ở Viện Tim. Bệnh nhân này đột ngột bị liệt nửa người. Tuy nhiên, do bệnh nhân đã sử dụng thuốc kháng đông máu, nên không thể dùng phương pháp đưa thuốc qua đường tĩnh mạch, dễ dẫn đến nguy cơ xuất huyết. Các bác sĩ ở BV Nhân dân 115 đã phải đưa thuốc đến làm tan khối thuyên tắc bằng đường động mạch.
Ba giờ vàng cho bệnh nhân đột quỵ
Nhóm nghiên cứu gồm ThS. BS. Nguyễn Huy Thắng và BS. Nguyễn Đức Khang đang triển khai phương pháp điều trị mới, đưa thuốc tiêu sợi huyết qua đường động mạch, tác dụng trực tiếp trên cục huyết khối. Qua đó làm tăng tối đa hiệu quả của thuốc và có thể mở rộng thời gian vàng cho các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não.
Đột quỵ xảy ra thường do sự di chuyển các cục huyết khối, được tạo ra từ tim hay từ các mạch máu xơ vữa, làm thuyên tắc mạch máu não. Đến giữa thập niên 1990, người ta mới tìm được phương pháp điều trị chuyên biệt cho bệnh lý này, thay vì chỉ điều trị phòng ngừa như trước đây.
Với phương pháp mới, thời gian vàng có thể kéo dài đến sáu giờ đồng hồ, và nhiều bệnh nhân đột quỵ sẽ được hồi phục. (Ảnh: H.Cát)
Theo các chuyên gia đột quỵ, ưu điểm của phương pháp này là việc xử dụng thuốc tương đối dễ dàng, nhanh chóng và không đòi hỏi nhiều phương tiện chẩn đoán đắt tiền. Mặc dù không làm thay đổi tỷ lệ tử vong của bệnh, phương pháp đưa thuốc tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch đã làm tăng đáng kể tỷ lệ bệnh nhân hồi phục tốt. Theo ước tính, cứ tám bệnh nhân được điều trị, sẽ có thêm một bệnh nhân trở về gần như hoàn toàn với cuốc sống bình thường sau đó.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng được cho những bệnh nhân nhập viện trước ba giờ tính từ lúc khởi phát các triệu chứng. Ngoài ra thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết não ở một số bệnh nhân. Hơn thế nữa, hiệu quả điều trị của phương pháp này cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong những trường hợp thuyên tắc ở đoạn gần các động mạch lớn. Tỷ lệ tái thông máu ở một số động mạch lớn chỉ từ 10 -30 phần trăm.
"Với các bệnh nhân đột quỵ nhập viện sau ba giờ và chỗ thuyên tắc nằm ở các động mạch lớn, chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp đưa thuốc vào bằng còn đường động mạch. Vì hiệu quả bơm thuốc bằng đường tĩnh mạch giảm dần theo thời gian.
Trong khi đó, với dây dẫn được đưa tới mạch máu não bị thuyên tắc từ động mạch đùi, thuốc tiêu sợi huyết tác dụng trực tiếp lên cục huyết khối, do vậy hiệu quả đạt được cao hơn so với đường tĩnh mạch. Nhờ trực tiếp, liều luợng thuốc tác dụng tại chỗ sẽ ở mức vừa đủ, thấp hơn so với liều dùng toàn thân đường tĩnh mạch. Do vậy các biến chứng xuất huyết gây ra do tác dụng của thuốc sẽ thấp hơn," BS. Thắng cho biết.
Cùng với bệnh tim mạch và ung thư, đột quỵ hiện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trên 50 phần trăm bệnh nhân còn sống, bị lưu lại với nhiều di chứng về tâm thần và vận động, tạo ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Triệu chứng của bệnh lý đột quị thường rất cấp tính.
Hoàn cảnh khởi phát của bệnh thường đột ngột, khi bệnh nhân đang làm việc hoặc sau khi ngủ dậy. Bệnh nhân không thể cử động được tay, chân cùng một bên hoặc có cảm giác dị cảm hay tê bì nữa người. Bệnh nhân có thể không nói được hoặc nói ngọng nghịu, miệng bị lệch sang một bên. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể trở nên lú lẫn, lơ mơ và hôn mê sau đó.
(Theo Vietnamnet)