(Tin Môi Trường) - Ngày 19/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học "Tái định cư trong bối cảnh thiên tai và biến đổi khí hậu: Một số nghiên cứu mới ở Việt Nam" nhằm cung cấp một số kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm trong việc tiếp cận, triển khai các chương trình tái định cư trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu ở Việt Nam và trên thế giới.
Tái định cư trong bối cảnh thiên tai và biến đổi khí hậu -Ảnh minh hoạ: IE
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với các rủi ro thiên tai diễn ra ở mức độ ngày một nhiều hơn, trầm trọng hơn và có xu hướng ra tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ngoài việc đe dọa đến an toàn, tính mạng của con người, gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà cửa, tài sản và sinh kế, thiên tai khiến nhiều người mất chỗ ở, làm hàng nghìn người đối diện với nguy cơ phải di dời mỗi năm tại Việt Nam. Thiên tai và những thay đổi về môi trường diễn biến từ từ cũng là một trong nhiều yếu tố tác động đến di cư tự nguyện, là chiến lược thích ứng của các hộ trước tác động hữu hình và ảnh hưởng kinh tế của biến đổi môi trường.
Việc tái định cư cho cộng đồng với nguy cơ bị tổn thương, đi kèm với hỗ trợ và cung cấp hạ tầng có thể làm tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng này trước biến đổi môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Công tác tái định cư được lên kế hoạch tốt cũng có thể góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, thực hiện mục tiêu phát triển nông thôn. Vì vậy, tái định cư là một phần chính sách trong ứng phó với rủi ro thiên tai ở Việt Nam, trong đó việc phát triển nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của các cộng đồng tái định cư đặc biệt được chú trọng. Tuy vậy, các quyết định di cư, kết quả tái định cư khá phức tạp, chịu tác động của nhiều yếu tố tương tác. Muốn hiểu được lợi ích và thách thức của tái định cư như một giải pháp thích nghi với các thay đổi về môi trường, cần phải hiểu việc lập kế hoạch, triển khai các dự án tái định cư quyết định sự thành công
Chia sẻ về vấn đề tái định cư nhằm giảm thiểu nguy cơ do thiên tai, Tiến sỹ Nguyễn Đức Vinh, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học cho rằng, tái định cư là hình thức di cư tự nguyện, lâu dài, được chính phủ và các bên khác hỗ trợ thông qua chính sách, các dự án có tổ chức, bao gồm việc tái thiết nhà ở, cơ sở hạ tầng và sinh kế cộng đồng. Các quyết định di cư thường khá phức tạp, chịu tác động của nhiều yếu tố. Nếu triển khai không tốt, người dân có thể không hợp tác, hoặc dự án tái định cư có thể làm người dân dễ bị tổn thương hơn, nhất là trong việc tạo nguồn sinh kế, tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ và mạng lưới xã hội.
Bên cạnh đó, các vấn đề tái định cư cần đảm bảo cung cấp đủ nhà ở, đất sinh hoạt, đất nông nghiệp, khả năng tiếp cận với nguồn nước, cơ sở hạ tầng giao thông, điện lưới, dịch vụ. Đồng thời, việc xác định và thiết kế các điểm tái định cư nên được đánh giá chi tiết hơn, có sự tham vấn chặt chẽ với các cộng đồng cần tái định cư và cộng đồng ở nơi đến để đảm bảo các điểm tái định cư có thể đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Viện Địa lý Nhân văn chia sẻ, cần tăng cường tham vấn, hợp tác với chính quyền cấp xã, đặc biệt là chính quyền ở điểm tái định cư, nhằm nâng cao hiệu quả của việc lập kế hoạch tái định cư, đảm bảo hỗ trợ lâu dài, liên tục cho các hộ đã thực hiện tái định cư. Các cuộc họp với cộng đồng địa phương về kế hoạch tái định cư cần tạo điều kiện để tất cả các hộ thuộc diện tái định cư và cộng đồng ở nơi đến. Các thông tin về tái định cư cần được phổ biến rộng rãi nhằm giúp các hộ ra quyết định phù hợp. Ngoài các cuộc họp tại địa phương, cần tăng cường phổ biến thông tin qua các kênh truyền thông khác.