(Tin Môi Trường) - Theo đánh giá của Viện Sinh học Nhiệt đới, cây mai dương là loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất ở Việt Nam hiện nay. Tác động xâm hại của loài cây này đã thể hiện rõ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là tại các khu bảo tồn ngập nước.
Các chuyên gia, cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn, hạt loài cây mai dương có thể phát tán ra các hồ nước đầu nguồn, sau đó theo các dòng sông có thể lan ra những khu vực rộng lớn.
Ngăn chặn xâm lấn của cây mai dương - loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm -Ảnh: Minh hoạ: IE
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết qua khảo sát cho thấy, trong số các loài thực vật ngoại lai xâm hại hiện nay tại địa phương, cần ưu tiên kiểm soát và diệt trừ cây mai dương.
Những năm gần đây, cây mai dương xuất hiện dày, lan khá nhanh ở khu vực Bàu Sấu – Vườn Quốc gia Cát Tiên (khu đất bán ngập, vùng Ramsa của thế giới đã được UNESCO công nhận). Các chuyên gia về bảo tồn cho rằng, tại khu vực Bàu Sấu không thể diệt trừ hoàn toàn cây mai dương vì không thể dùng hóa chất, có thể gây ảnh hưởng đến quần xã thực vật bản địa và hệ sinh thái khu vực này. Do đó, Viện Sinh học Nhiệt đới, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đề xuất, tại Bàu Sấu chỉ có thể thường xuyên kiểm soát, hạn chế lây lan, mở rộng diện tích phân bố của loài cây mai dương bằng cách chặt bỏ, xử lý theo hình thức thủ công.
Theo một khảo sát mới đây của Viện Sinh học Nhiệt đới, ngoài khu vực Bàu Sấu, những năm gần đây tại vùng bán ngập hồ thủy điện Trị An, hồ Gia Ui, hồ Núi Le (Đồng Nai), loài cây mai dương xuất hiện với mật độ khá dày.
Vùng bán ngập ở các hồ thủy điện có môi trường ẩm ướt, thuận lợi cho sự phát triển của cây mai dương. Nếu không có biện pháp diệt trừ, hạt của loài cây này có thể phát tán và theo dòng nước sông Đồng Nai phát tán khắp các địa bàn. Do đó, Đồng Nai cần ưu tiên xây dựng kế hoạch chủ động diệt trừ cây mai dương tại những khu vực này ngay từ bây giờ. Theo Viện Sinh học Nhiệt đới, phương án diệt trừ hiệu quả nhất và không gây hại cho môi trường đó là chặt bỏ hoặc sử dụng xe cơ giới ủi sau đó gom đốt ở vị trí cách xa mặt nước để tránh hạt cây mai dương phát tán khắp nơi.
Ngoài ra, loài cây mai dương có đặc điểm là ưa nắng, do đó tại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển nên dùng biện phát ngăn chặn bằng cách trồng các loài cây gỗ có tán lớn để phủ lên nhằm thu hẹp vùng sinh cảnh của cây mai dương.
Cây mai dương có tên khoa học là mimosa pigra, có xuất xứ từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Cây mai dương có thể mọc cao tới 2 m, mọc dày đặc ở vùng đất ẩm ướt. Thân, lá cây có nhiều gai cứng dẫn từ gốc đến ngọn, quả cây có nhiều lông. Sau 6 tháng, mai dương ra hoa và kết quả. Mỗi lần sinh sản có thể sinh ra khoảng 9.000 hạt mới, lan đi rất nhanh. Vì có khả năng xâm lấn mạnh, nó có thể hủy hoại các hệ sinh thái cây bụi đã có ở một nơi nào đó.
Tại kỳ họp cuối năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thông qua nghị quyết về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn đến năm 2020, định hướng 2030. Trong báo cáo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cùng Viện Sinh học Nhiệt đới đề xuất phương án cần ưu tiên có các phương án diệt trừ, hạn chế sự phát triển, lây lan của loài cây mai dương vì nguy cơ xâm lấn hệ thực vật bản địa rất lớn.