(Tin Môi Trường) - Khi mới 3 tuổi, Ryan theo bố đến trung tâm tái chế rePlanet ở California (Mỹ) để bán vỏ lon và chai nhựa. Cậu quyết định rằng tái chế sẽ là tương lai của mình.
Ryan là một trong những gương mặt trẻ được CNN vinh danh là người hùng của năm 2017. Ảnh: CNN.
Ngày hôm sau, khi đón bố đi làm về ở nhà tại San Juan Capistrano, Ryan chỉ ra phố và bảo: "Đây là công việc mới của con! Con sẽ thu thập tất cả vỏ lon và chai nhựa của mọi người ở khu này".
Cậu bé đưa túi cho hàng xóm, nhờ họ giữ lại các vỏ chai tái chế. Rồi bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của họ cũng để dành vỏ chai cho Ryan. Việc này bắt đầu từ năm 2012.
năm nay, khi mới hơn 7 tuổi, cậu bé đã là CEO, giám đốc và nhân viên của Công ty tái chế Ryan. Cậu bé có khoảng 50 khách hàng ở khắp hạt Orange (California, Mỹ) và đã thu thập được hơn 200.000 vỏ chai.
Mục tiêu của Ryan là không để chai lọ trôi ra biển, gây hại cho môi trường. Cậu dành thời gian phân loại chai lọ thu được từ khách hàng vào mỗi tuần, và mang tới trung tâm tái chế.
Năm 2016, câu chuyện của Ryan được nhiều người biết tới, và cậu bé xuất hiện trên các trang web, kênh truyền hình và kênh phát thanh khắp thế giới.
Cậu bé được vinh danh là một trong những Người trẻ tuyệt vời (Young Wonder) năm 2017 của CNN, và từng xuất hiện trên chương trình của Ellen DeGeneres.
Ryan trở nên nổi tiếng nhờ nỗ lực tái chế của mình, nhận được nhiều giải thưởng. Cậu bé cũng nhận được giải Công dân của năm từ quê nhà San Juan Capistrano.
Ryan xuất hiện trên talk show nổi tiếng của Ellen DeGeneres. Ảnh: The Capistrano Dispatch.
Theo bố của Ryan, ông Damion Hickman, cậu bé đã tiết kiệm được 11.000 USD và số tiền này được để trong tài khoản dành cho việc học đại học, dù Ryan nói rằng cậu muốn mua một xe tải chở rác lớn và trở thành một nhân viên vệ sinh.
Trong một buổi phỏng vấn, ông Damion cho biết quyền quyết định là tùy Ryan khi cậu bé đủ 18 tuổi.
Một trong những nơi Ryan yêu thích là Trung tâm Động vật biển có vú Thái Bình Dương, nơi cậu quyên góp toàn bộ số tiền thu được từ nhãn áo phông của mình - khoảng 3.700 USD.
Cậu cho biết: "Cháu thích đến đó và xem sư tử biển. Số tiền chúng ta quyên góp sẽ giúp chúng có thuốc và thức ăn".
Sau 4 năm, hàng xóm của Ryan đã quen với việc một cậu bé đến gõ cửa hỏi xin đồ tái chế. Những người nhiệt tình hơn còn gọi điện cho cậu đến lấy, hay đem đến tận nhà. Ở trường, hoạt động Ryan thích nhất là giúp bác lao công Jose phân loại rác.
Ông Damion cho biết: "Tôi và vợ ủng hộ con và bảo rằng con có thể dừng lại bất cứ khi nào thằng bé muốn. Tôi muốn thấy Ryan đi chơi với bạn bè, nhưng việc tái chế khiến nó thấy hạnh phúc".
Ryan trong một lần nhận giải thưởng ở địa phương.
Damion là một nhà thiết kế đồ họa và chỉ quan tâm đến vấn đề tái chế ở mức bình thường. Ông nhấn mạnh rằng 100% là ý tưởng của Ryan, dù ông là người chở cậu bé đến trung tâm tái chế 3 tuần một lần. Ông cũng giúp con phân loại khi có quá nhiều đồ.
Dù nhận được nhiều sự ủng hộ và cảm kích, bố của Ryan tỏ ra thận trọng. Ông cho biết: "Tôi cố gắng khuyên mọi người không ủng hộ trực tiếp. Tôi không muốn họ nghĩ rằng chúng tôi đang kiếm tiền từ con mình.
Chúng tôi rất cảm kích và thấy việc thằng bé làm khiến mọi người vui. 99% những lời bình đều nói việc này truyền cảm hứng cho họ. Tuy nhiên, một số người nói "thằng bé là công cụ tiếp thị cho việc kinh doanh của bố mẹ". Chúng tôi cố lờ những lời đó đi. Có lần tôi đã gõ câu trả lời, nhưng lại xóa".