(Tin Môi Trường) - Nhiều nhà báo, phóng viên từ những cơ quan truyền thông nổi tiếng đã đến dự sự kiện "Kỹ năng tác nghiệp báo chí trong thiên tai" ngày 9/12 do CLB Nhà Báo Xanh và dự án Connect Youth (Kết nối Thanh niên) tổ chức.
Tham dự sự kiện có các nhà báo, phóng viên đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Nhân dân …
Nhiều nhà báo, phóng viên đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Nhân dân …đã đến dự sự kiện "Kỹ năng tác nghiệp báo chí trong thiên tai" ngày 9/12 do CLB Nhà Báo Xanh và dự án Connect Youth (Kết nối Thanh niên) tổ chức.
Sự kiện “Kỹ năng tác nghiệp báo chí trong thiên tai” do chính các bạn sinh viên thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Xanh tổ chức tại Hà Nội. Câu lạc bộ Nhà báo Xanh tập hợp những người làm báo trẻ, trong đó, có nhiều sinh viên báo chí của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề báo như: ông Hoàng Quốc Dũng, Phó chủ tịch Diễn đàn Nhà báo Môi trường (VFEJ), bà Đỗ Hải Linh, Trưởng ban Truyền thông Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và bà Nguyễn Thị Yến, Cố vấn Chương trình Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Care International Việt Nam).
Theo bà Nguyễn Thị Yến, mỗi vùng có loại thiên tai đặc trưng như vùng núi phía Bắc là sạt lở đất và lũ lụt, vùng đồng bằng sông Hồng là lũ lụt theo mùa mưa, bão, vùng đồng bằng sống Cửu Long là lũ lụt và bão. Vì thiên tai diễn ra thường xuyên, do đó, việc đưa tin không chỉ nên giới hạn trong thời điểm xảy ra mà còn cần trước và sau đó. “Các phóng viên có thể khai thác đề tài về cảnh báo sớm và ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan; đô thị hóa và phát triển và rủi ro môi trường, thiên tai,” chuyên gia có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho biết.
Trong khi đó, bà Đỗ Hải Linh, Trưởng ban Truyền thông của Trung tâm Con người và Thiên nhiên giới thiệu cho báo chí nguồn thông tin từ các tổ chức phi chính phủ bên cạnh các báo cáo của các cơ quan Nhà nước.
Ông Hoàng Quốc Dũng- Phó chủ tịch Diễn đàn Nhà báo Môi trường (VFEJ) chia sẻ kinh nghiệm
Ông Hoàng Quốc Dũng, Phó chủ tịch Diễn đàn Nhà báo Môi trường khẳng định những chia sẻ của hai diễn giả rất có giá trị và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của bản thân về việc học hỏi không ngừng để thích ứng với các điều kiện của thiên tai. “Hiện nay, nhiều thứ diễn ra không chắc chắn như dự báo và nhà báo cần chuẩn bị cho mọi chuyện có thể diễn ra,” ông Dũng cho biết: “Khi đi công tác, phóng viên cần chuẩn bị ba thứ: bản đồ, la bàn, dây thừng”
"Buổi tọa đàm rất ý nghĩa với những người làm báo như mình đặc biệt là những người trực tiếp đưa tin trong môi trường khắc nghiệt, chúng tôi được biết mình phải chuẩn bị những gì trước và trong khi tác nghiệp để đảm bảo an toàn cho bản thân mà vẫn mang lại những tư liệu giá trị", bà Trần Diệu Thúy - Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
CLB Nhà Báo Xanh và dự án Connect Youth chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức
Sự kiện được đánh giá là có nhiều kiến thức bổ ích cho những người ngày ngày đối mặt nhiều thách thức khi sản xuất tin bài, phản ánh nhanh sự đa dạng của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thông tin liên tục của công chúng. "Đối với chúng tôi, những người học báo và làm báo, không ai nói trước những khó khăn, rủi ro mình sẽ gặp phải trong khi tác nghiệp. Khi đến với tọa đàm, tôi biết thêm rất nhiều điều thú vị từ các bậc tiền bối" bà Nguyễn Trần Anh Thu - Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ.