(Tin Môi Trường) - Từ năm 2008 đến nay, VACNE đã tổ chức 6 Hội thảo khoa học về Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn.
Đoàn chủ tịch Hội thảo, bao gồm các nhà khoa học và quản lý của Việt Nam, Lào và các tổ chức quốc tế
1. Hội thảo "Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn" lần thứ nhất, TP. Huế, 22 - 24/5/2008.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày đa dạng sinh học thế giới (22/5), kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) và 15 năm Ngày thành lập Cục bảo vệ môi trường (VEA), VACNE phối hợp với VEA và Viện tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học - Đại học Huế tổ chức “Hội thảo khoa học đa dạng sinh học dãy Trường Sơn”. Hội thảo đã quy tụ gần 200 đại biểu, phần đông là các nhà khoa học Việt Nam, Lào và Campuchia về dự.
Chủ đề Hội thảo là “Bảo tồn, sử dụng thông minh rừng và đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn và sự phát triển bền vững, giảm thiểu các nguy cơ do biến đổi khí hậu”.
Các công trình khoa học được báo cáo và thảo luận tại hội thảo tập trung vào các chủ đề: Chính sách lâm nghiệp để bảo vệ đa dạng sinh học ở các khu rừng trên dãy Trường Sơn; Một số gene thực vật nhập nội ở dãy Trường Sơn; Xúc tiến xây dựng hệ thống các khu bảo tồn xuyên biên giới giới Việt Nam, Lào và Campuchia để bảo tồn đa dạng sinh học cho dãy Trường Sơn…
2. Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 2, với thông điệp “Phối hợp hành động vì an ninh môi trường và phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội, ngày 18 /3/2010.
Hội thảo do Hội BVTN&MT Việt Nam và Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng Cục Môi trường - Bộ TN &MT) phối hợp tổ chức, với với sự tham dự của hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế. Cùng với các nhà khoa học, đại diện các Viên nghiên cứu, các trường Đại học của Việt Nam, hội thảo lần này còn thu hút gần 10 đại biểu đến từ các nước: Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Phi-líp-pin và Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tham gia.
3. Hội thảo về Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 3, TP Huế, ngày 5/11/2010.
Hội thảo do VACNE và Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng Cục Môi trường - Bộ TN &MT) phối hợp tổ chức. Hơn 80 đại biểu đến từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tham dự Hội thảo. Hội thảo kiến nghị cần phải có chiến lược quản lý tổng hợp cho toàn dãy Trường Sơn. Chiến lược cực kỳ to lớn này, phải có sự hợp tác, chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ (kể cả các nước bạn khu vực phía Tây Trường Sơn). Đặc biệt là phải nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề này, để mọi người cùng thấu hiểu: bảo vệ đa dạng sinh học là bảo vệ sự sống còn của chính mình, như thông điệp của mà Liên hợp quốc đã đề ra cho năm 2010 "Muôn loài, một hành tinh, một tương lai".
4. Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” lần thứ 4, Quảng Trị ngày 4-5/4/2012.
Chủ đề trọng tâm của Hội thảo là bảo tồn sao la dãy Trường Sơn, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện cho một số Bộ, ngành, và các cơ quan quản lý, nghiên cứu, sự nghiệp ở Trung ương và các địa phương thuộc khu vực dãy Trường Sơn.
5. Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 5” với trọng tâm bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp, Đắc Lắc ngày 10-11/10/2013.
Hội thảo do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp cùng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức với sự tài trợ của WWF, GEF, UNDP.
Tới dự và đóng góp cho Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, cán bộ quản lý ở Trung ương và các địa phương trong khu vực: Đắc Lắc, Gia Lai, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Định, Khánh Hòa, cùng một số vị lãnh đạo và đại diện nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế có liên quan.
6. Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 6 với thông điệp “Tri thức bản địa và sinh kế Cộng đồng”, Đà Nẵng ngày 26-27/7/2014.
Tham dự hội thảo có hơn 80 đại biểu là chuyên gia ở Trung ương, địa phương; Lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường các tỉnh, thành phố; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng; các Tổ chức liên quan và cơ quan báo, đài.
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, tri thức bản địa liên quan mật thiết đến sinh kế của cộng đồng, đến bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh học, kể cả các lĩnh vực quản lý rừng, các phong tục tập quán, hương ước và luật tục trong canh tác nông, lâm, ngư nghiệp, các giống cây lương thực, cây gỗ và phi gỗ, cây thuốc và chăm sóc sức khỏe cộng đồng,… Nó được hình thành và phát triển trên cơ sở tương tác giữa con người với thiên nhiên và môi trường từ hằng ngàn đời nay.