(Tin Môi Trường) - Ngày 8/12/2017, Tổ chức Động vật Châu Á thực hiện cứu hộ thành công sáu cá thể gấu ngựa tại một trang trại tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Chủ nuôi của các cá thể gấu này đã từng chuyển 14 gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam vào năm 2011, và nay tiếp tục vận động thành công để những cổ đông khác đồng thuận tự nguyện chuyển giao 6 cá thể gấu ngựa cho nhà nước.
Theo thông tin từ Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sáu cá thể gấu đều được gắn chíp điện tử đã được nuôi nhốt tại trang trại trong vòng trên dưới 12 năm. Đoàn cứu hộ của Tổ chức Động vật Châu Á đã có mặt tại trang trại từ sáng sớm để kiểm tra địa hình và chuẩn bị các phương án cứu hộ. Do vị trí của trang trại khá thuận tiện, nên toàn bộ số gấu sẽ được khám lâm sàng, dụ sang lồng vận chuyển chuyên biệt và kéo lên xe tải. Sáu cá thể gấu sẽ vượt qua hành trình 3 ngày dài hơn 1.500 km để về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong suốt quá trình vận chuyển, đoàn cứu hộ ngoài các chuyên gia còn có 1 bác sỹ thú y cao cấp, một quản lý gấu, và một y tá thú y chăm sóc y tế cho gấu.
Các bác sỹ và chuyên gia thú y đã dành hơn 1 giờ đồng hồ theo dõi lâm sàng, nhận dạng các cá thể gấu, trong khi các công tác lắp đặt ray đẩy lồng vận chuyển, và các thiết bị chuẩn bị cứu hộ được tiến hành khẩn trương. Các cá thể gấu ngựa gồm 3 cá thể đực, 3 cá thể cái lần lượt được Tổ chức Động vật Châu Á đặt tên là Mia (gấu cái, viết tắt của loài hoa Mimosa – hoa xấu hổ đang nở tím Trung tâm Cứu hộ), Mana (gấu đực), Ánh Sáng (gấu cái), Holly (gấu cái), Manu (gấu đực), và Tim (gấu đực).Các cá thể gấu do sống nhiều năm trong các cũi sắt với không gian tối thiểu, đều có vấn đề về khớp, răng, bệnh ngoài da và có cá thể có dấu hiệu bị mù.
Chủ nuôi của sáu gấu ngựa trên là anh Nguyễn Tiến Ngọc, cách đây đúng sáu năm, vào năm 2011, anh đã tự nguyện chuyển giao toàn bộ 14 cá thể thuộc sở hữu của mình cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Kể từ đó tới nay, với rất nhiều nỗ lực vận động của anh Tiến Ngọc, các cổ đông đồng sở hữu 6 cá thể nói trên đã đồng ý để gấu được đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam - “thiên đường” của gấu ở Việt Nam, nơi hiện có 10 khu bán tự nhiên rộng rãi xanh mướt đủ điều kiên nuôi gấu di chuyển tự do hưởng thụ nốt phần đời còn lại.
Đẩy gấu bằng lồng chuyên biệt
Gấu ngựa Mia là cá thể đầu tiên được dụ vào lồng vận chuyển chuyên biệt. Các chuyên gia thực hiện lần lượt việc dụ gấu tự di chuyển từ chuồng hiện tại sang lồng vận chuyển bằng các hoa quả khô ngon, mật ong và sữa đặc – những đồ ngọt mà gấu rất thích. Sau đó, các nhân viên của Tổ chức di chuyển các lồng chuyên biệt và đẩy lên xe tải. Quá trình cứu hộ diễn ra trong suốt 5 giờ đồng hồ liên tục, từ 8 h sáng tới 1h chiều. Sau khi về tới Trung tâm Cứu hộ, theo quy trình, ngay trong giai đoạn cách ly 45 ngày đầu tiên, gấu sẽ được chăm sóc đặc biệt về dinh dưỡng, và được khám sức khoẻ toàn diện, trước khi được ra các nhà gấu, ghép nhóm và thả ra các khu bán tự nhiên.
Đây là chuyến cứu hộ đánh dấu một năm thành công của Tổ chức Động vật Châu Á, cứu hộ được 17 cá thể gấu đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, riêng tỉnh Bình Dương là 15 cá thể. Tính tới thời điểm này, Bình Dương là địa phương mà Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ được nhiều gấu nhất, với tổng số 48 cá thể. Thêm 6 cá thể gấu mới, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ thành công 192 cá thể gấu ngựa và gấu chó. Hiện có 176 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng và sống trong các khu bán tự nhiên của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Tỉnh Bình Dương cũng là một điểm nóng của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, chỉ sau Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2005 có 317 cá thể gấu ở Bình Dương, nhưng đến 2014, con số này giảm đáng kể chỉ còn 155.
ThS. Phan Thị Thùy Trinh - Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam