Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rừng ngập mặn bảo vệ con người trước biến đổi khí hậu

(22:58:06 PM 01/12/2017)
(Tin Môi Trường) - Rừng ngập mặn có thể chính là cứu cánh của con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp giảm lượng khí thải nhà kính và bảo vệ các cộng đồng dân cư khi mực nước biển dâng cao.

Rừng ngập mặn bảo vệ con người trước biến đổi khí hậu
Rừng ngập mặn bảo vệ con người trước biến đổi khí hậu -Ảnh minh hoạ: IE

 

Tiến sĩ Martin Zimmer, chuyên gia về sinh thái rừng ngập mặn tại Đại học Bremen (Đức), cho biết rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ khí nhà kính rất cao và sau đó giữ carbon dioxide (CO2) trong phần đất trầm tích bên dưới tới hàng nghìn năm. Hiệu quả hấp thụ CO2 của rừng ngập mặn cao hơn hơn nhiều so với các rừng trên cạn, nhanh hơn 100 lần và khối lượng nhiều hơn gấp 5 lần. Do đó, bảo vệ rừng ngập mặn là cách hợp lý cho các quốc gia muốn giảm thiểu lượng khí thải carbon. 

 
Theo Tiến sĩ Zimmer, bí quyết nằm ở hệ rễ cây chằng chịt của rừng ngập mặn. Các rễ này bám vào lớp trầm tích dưới mặt nước, qua thời gian giữ lại trầm tích cùng các hợp chất vô cơ và hữu cơ, tạo ra một không gian dày đặc. Đặc trưng của vùng trầm tích này là điều kiện oxy thấp, tạo điều kiện để CO2 bị hấp thụ và giữ tại đây trong thời gian dài. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường, hạn chế xâm nhập mặn và giảm sự xói lở do sóng biển. 
 
Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý giá này lại đang bị tàn phá và suy giảm về số lượng với tốc độ nhanh, chủ yếu do người dân không có kiến thức về giá trị của loại hệ sinh thái này và phá rừng để chuyển đổi đất canh tác. Tiến sĩ Zimmer nhấn mạnh thực trạng này là điều đáng tiếc, bởi rừng ngập mặn có giá trị khai thác vô cùng lớn: là môi trường sống của nhiều loài động thực vật phong phú, là nguồn cung cấp gỗ và thực phẩm, có tác dụng giúp cải thiện chất lượng nguồn nước và có tiềm năng phát triển du lịch. 
 
Thực vật ngập mặn phát triển ở nơi giao nhau giữa sông và biển, nơi thường xuyên có sự biến đổi mực nước, độ mặn cũng như môi trường theo thay đổi của thủy triều. Rừng ngập mặn có tại 123 nước, với tổng diện tích 152.360 km2. Hơn 30% trong đó nằm ở Đông Nam Á (51.049 km2), khiến đây là khu vực tập trung nhiều rừng ngập mặn nhất trên thế giới. Các điểm rừng ngập mặn lớn bao gồm châu thổ Ayeyarwady ở Myanmar, Mekong ở Việt Nam và vùng duyên hải châu thổ dọc tỉnh Papua của Indonesia.
TTXVN