(Tin Môi Trường) - Trước thềm cuộc họp Hội đồng lần thứ 24 của Uỷ hội sông Mê Kông, Liên minh Cứu sông Mê Kông đưa ra Bản Tuyên bố bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với việc phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Dưới đây là toàn bộ nội dung bản tuyên bố
Có bằng chứng cho thấy các dự án này đang hủy hoại an ninh lương thực khu vực và gia tăng nghèo đói.
Trước thềm cuộc họp Hội đồng lần thứ 24 của Uỷ hội sông Mê Kông, Liên minh Cứu sông Mê Kông đưa ra Bản Tuyên bố bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với việc phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và trên lưu vực, khi mà có bằng chứng cho thấy các dự án này đang hủy hoại an ninh lương thực khu vực và gia tăng nghèo đói.
Hơn 60 triệu người hiện đang sống phụ thuộc vào sự trù phú của dòng sông Mê Kông với nhu cầu về lương thực, nước, giao thông và các nhu cầu khác trong cuộc sống.
Trong khi đó, chi phí các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời đang giảm nhanh chóng, gần với mức giá của thủy điện, song lại ít tác động môi trường và xã hội hơn. Những tiến bộ về công nghệ mới trong phân phối và lưu trữ năng lượng cũng đồng nghĩa với việc các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió đang dần trở thành cách tiếp cận khả thi hơn nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng và có thể đảm bảo khả năng tiếp cận cho các khu vực dân cư hiện chưa có điện. Tuy nhiên, các đặc lợi trong khu vực công và tư nhân hiện vẫn đang là động lực mạnh mẽ đằng sau việc xây dựng đập.
Cuộc họp Hội đồng lần thứ 24 là cơ hội để MRC chứng minh tầm nhìn của mình nhằm thúc đẩy nền kinh tế thịnh vượng, công bằng xã hội và môi trường an toàn cho lưu vực sông Mê Công. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ hạ lưu vực sông Mê Kông cam kết tạm ngừng xây dựng đập, trong bối cảnh các chính sách và cơ sở hạ tầng của khu vực đang có điều kiện hỗ trợ các giải pháp năng lượng tái tạo thay thế.
Các đập trên sông Mê Kông hủy hoại sự phát triển bền vững
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hàng loạt các dự án đập thủy điện quy mô lớn hiện đang được đề xuất và xây dựng trên dòng chính sông Mê Công đang đe doạ nghề cá của khu vực, tác động đến nguồn cung thực phẩm của hàng triệu người. Nếu được xây dựng, những con đập này sẽ ngăn chặn luồng di cư chính, vốn cực kỳ thiết yếu trong vòng đời của khoảng 70% lượng cá đánh bắt thương mại trên sông Mê Kông. Điều này có thể dẫn đến tổng thiệt hại thủy sản ước tính từ 26 đến 42%, đặt hàng triệu người dân hạ lưu vực sông Mê Kông vào nguy cơ mất sinh kế và an ninh lương thực.
An ninh lương thực là nền tảng quan trọng để từ đó xây dựng các hình thức phát triển quan trọng khác. Đánh bắt cá tự nhiên là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho các gia đình nông thôn trên toàn lưu vực Mê Kông. Như vậy, bảo vệ khai thác tự nhiên phải là trọng tâm của nỗ lực giảm nghèo. Bất kỳ sự suy giảm đánh bắt tự nhiên nào cũng có thể dẫn đến tình trạng gia tăng tỉ lệ suy dinh dưỡng, vốn đã là một vấn đề nghiêm trọng ở khu vực Mê Kông, làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo.
Ngoài việc cung cấp nguồn protein chính của khu vực, sông Mê Kông còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt và duy trì năng suất nông nghiệp cho cả lưu vực, hỗ trợ tưới tiêu đồng ruộng. Sông Mê Kông cung cấp cho người dân trong khu vực tới 80% nhu cầu protein động vật. Báo cáo năm 2013 của Viện Nghiên cứu và Phát triển Nghề cá Nội địa (IFReDI) thuộc Cục Quản lý Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Nghề cá Campuchia (MAFF) đã chỉ ra rằng các tác động cộng hưởng của các đập dòng chính ở Campuchia và tăng trưởng dân số có thể gây giảm tiêu thụ cá từ 49kg xuống còn 22kg/người/năm vào năm 2030, nghĩa là giảm 55%. Điều này sẽ tác động sâu sắc đến dinh dưỡng trẻ em ở Campuchia, nơi gần 40% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng kinh niên, hơn 28% thiếu cân và 10,9% trẻ suy dinh dưỡng cấp tính. Cá và các sản phẩm cá là những nguồn cung cấp chất sắt quan trọng. Tại Campuchia, khoảng 70% phụ nữ mang thai và 74% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu sắt. Sự thiếu hụt sắt khiến người dân suy giảm sức khỏe và vô hình trung lại duy trì vòng luẩn quẩn nghèo đói.
Trong khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Lào cũng cao nhất trong khu vực. 40-60% trẻ em Lào bị còi cọc. Tại các tỉnh Lào giáp với sông Mê Kông, bao gồm cả khu vực xây đập Xayabouri và Don Sahong, thủy sản đóng góp 27% đến 78% lượng protein động vật trong khẩu phần ăn của người dân và cung cấp một lượng vi chất dinh dưỡng cần thiết. Như đã ghi nhận trong Báo cáo Phân tích Quốc gia năm 2012 của UNDP đối với Lào, phát triển thiếu kiểm soát trong khai thác mỏ và thủy điện, cũng như trong nông nghiệp thương mại đã "gây suy thoái vượt khả năng phục hồi của hệ sinh thái giàu có mà phần lớn dân số nông thôn vốn phụ thuộc vào để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu, thực phẩm và chất xơ".
Nông dân và ngư dân hạ nguồn ở Việt Nam cũng đang bị giảm năng suất nông nghiệp do tác động của các con đập ở dòng chính của sông Mê Kông, khiến nền xuất khẩu lương thực 10 tỷ USD hàng năm ở ĐBSCL có nguy cơ bị tổn thất. ĐBSCL, nơi sản xuất hơn một nửa lượng gạo của Việt Nam và cung cấp gạo cho hơn 145 triệu người ở Châu Á, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì các con đập làm thay đổi chế độ dòng chảy và ngăn phù sa về khu vực này.
Quá trình tham vấn và ra quyết định còn thiếu sót
Cho đến nay, MRC đã thất bại trong sứ mệnh của mình nhằm đảm bảo sự phát triển sông Mê Công theo hướng cùng có lợi và giảm thiểu tác động có hại đến người dân cũng như môi trường.
Các nghiên cứu khoa học đã không được coi trọng trong cuộc đua phát triển các dự án đập thủy điện hủy hoại môi trường và tác động tiêu cực tới xã hội, đặt an ninh lương thực của các công dân dễ bị tổn thương nhất trong khu vực vào vòng nguy hiểm.
Các quy trình ra quyết định hiện nay không rõ ràng và không có sự tham gia, đặc biệt là việc tham vấn với các cộng đồng bị ảnh hưởng hiện vẫn còn bỏ ngỏ. MRC cần cải cách các thủ tục để các quy trình được cải thiện và mở rộng cơ hội cho các bên liên quan và công chúng tham gia trong quá trình ra quyết định, đặc biệt với những người dân sống ven sông.
Việc lập kế hoạch và ra quyết định phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công hiện nay đang được thực hiện trên cơ sở từng dự án, thiếu các dữ liệu nền phù hợp, thiếu các đánh giá tác động xuyên biên giới cũng như tác động tích lũy của các dự án đang được xây dựng. Ngoài ra, việc không có kế hoạch toàn diện để giám sát dài hạn các tác động của dự án và tác động toàn lưu vực cũng là một vấn đề.
Quá trình Tham vấn trước hiện nay còn yếu kém về phân tích khoa học và chưa quan tâm đúng mức đến những mối quan ngại chính đáng của người dân địa phương, những người chịu thiệt hại nhiều nhất khi nguồn tài nguyên của con sông bị hủy hoại. Tất cả vấn đề này đã tồn tại suốt từ quá trình quy trình lập kế hoạch, phê duyệt và tham vấn trước của dự án Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng.
Đầu tháng 11 năm 2017, Toà án Hành chính Tối cao Thái Lan xác nhận việc sẽ xem xét kháng cáo trong vụ kiện về những thiệt hại do đập Pak Beng gây ra. Việc Tòa án chấp nhận xem xét vụ kiện là sự thừa nhận về trách nhiệm của các cơ quan chính phủ theo luật Thái Lan và Hiệp định Mê Công 1995 trong việc thông tin và tham vấn ý kiến của người dân về các tác động xuyên biên giới của các dự án như đập Pak Beng. Quyết định này cho thấy xu hướng gia tăng sự tham gia của công chúng, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong việc lập kế hoạch, phát triển và phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Có sẵn các giải pháp thay thế cho đập Mê Kông
Các chính phủ Mê Kông cho rằng các đập Mê Kông là cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng trong khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế, 11 dự án dòng chính chỉ cung cấp khoảng 8% dự báo nhu cầu điện hạ lưu sông Mê Công. Nếu các dự án dòng chính không được triển khai, rủi ro đối với an ninh điện ở các nước hạ lưu sông Mê Công cũng là vô cùng nhỏ và nhu cầu điện dự báo có thể được cung cấp bởi các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, sinh khối và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Các giải pháp thay thế hiện có thể đáp ứng nhu cầu này một cách có trách nhiệm và bền vững hơn. Trong những năm tới, các dự án thủy điện mới của GMS sẽ phải cạnh tranh với các lựa chọn rẻ hơn, kể cả giá khí đốt tự nhiên cũng như các công nghệ năng lượng mặt trời và gió ngày càng có giá cả phải chăng và hiệu quả.
Trên thực tế, giá của các nguồn năng lượng tái tạo không phải là thủy điện đang giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Chỉ riêng trong giai đoạn 2015-2016, giá trung bình toàn cầu của điện mặt trời giảm 13% và điện gió giảm 10,75%. Chi phí giảm nhanh chóng đã đặt giá năng lượng mặt trời xuống mức gần với giá với thủy điện, trong khi lại ít gây ra tác động môi trường hoặc xã hội. Ngoài ra, cơ hội tiếp cận với các nguồn hỗ trợ phát triển điện gió và năng lượng mặt trời thông qua quỹ hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển hiện đang rộng mở.
Cuộc họp của Hội đồng MRC lần thứ 24 là cơ hội để MRC và chính phủ các nước hạ lưu sông Mê Kông thể hiện định hướng và tầm nhìn cho một tương lai bền vững và ưu tiên bảo tồn các nguồn lợi thủy sản phong phú của khu vực và các nguồn tài nguyên khác của sông.
Thay vì tiếp tục hỗ trợ các dự án đập thủy điện đang hủy hoại môi trường và xã hội, MRC cần thừa nhận tiềm năng của các công nghệ điện tái tạo và công nghệ năng lượng phi tập trung sẵn có với giá cả cạnh tranh.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ các nước hạ lưu sông Mê Kông cam kết tạm dừng các dự án thủy điện quy mô lớn trong khi các chính sách khu vực và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo đang tiến triển. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự tăng trưởng bền vững thực sự mà không mất đi lợi ích mà một con sông trù phú có thể mang lại.