Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bộ TN-MT “rút kinh nghiệm” vụ ghi tên thành viên gia đình lên sổ đỏ

(14:38:54 PM 27/11/2017)
(Tin Môi Trường) - Tại cuộc họp báo sáng 27/11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng quản lý đất đai là lĩnh vực rất nhạy cảm. Có những quy định ban hành ra thì người “trong ngành” hiểu ngay nhưng “bên ngoài mọi người chưa hiểu đúng ý của mình”. “Chúng tôi thấy cần rút kinh nghiệm, xin tiếp thu...", Thứ trưởng Hoa nói.

Bộ TN-MT “rút kinh nghiệm” vụ ghi tên thành viên gia đình lên sổ đỏ

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa (Ảnh: Trần Thanh).
 
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, Thông tư 33/2017 chỉ hướng dẫn về cách ghi tên người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp quyền sử dụng đất của chung hộ gia đình; đối với đối tượng sử dụng đất còn lại (như của cá nhân, của vợ và chồng,…) thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.
 
Việc ghi tên hộ gia đình trên Giấy chứng nhận như trước đây đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể, do đó gặp khó khăn trong việc được pháp luật bảo hộ khi có rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự.
 
Khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất sẽ phát sinh mâu thuẫn về tranh chấp quyền của từng thành viên. Các tổ chức tín dụng đã nhận thế chấp quyền sử dụng đất của chủ hộ gia đình, tuy nhiên một trong số các thành viên có quyền sử dụng đất lại có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình.
 
Mặc dù quyền sử dụng đất được Nhà nước giao cho các thành viên trong hộ gia đình, tuy nhiên chủ hộ gia đình tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất gây ra tình trạng mất quyền và thiếu đất sản xuất của các thành viên còn lại…
 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, việc ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT là phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai và khắc phục những bất cập, khó khăn trong thực tiễn.
 
“Việc quy định như vậy sẽ chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất, không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạc h về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình. Việc này cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất”- bà Hoa nhấn mạnh.
 
Bộ TN-MT “rút kinh nghiệm” vụ ghi tên thành viên gia đình lên sổ đỏ
 
Theo Khoản 29 Điều 3 của Luật Đất đai: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
 
Tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai quy định: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.
 
Ông Mai Văn Phấn - Phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Đất đai) khẳng định: “Bản chất của quy định này chỉ hướng dẫn kỹ thuật về cách ghi tên, không điều chỉnh gì về nội dung. Tài sản tạo lập của vợ và chồng mà người con không cùng đóng góp thì chỉ ghi thông tin tài sản của vợ và chồng thôi. Vừa qua có một số luồng dư luận nghĩ rằng sẽ ghi toàn bộ thành viên trong sổ hộ khẩu lên giấy chứng nhận, nhưng tôi khẳng định, thành viên trong sổ hộ khẩu không có quyền sử dụng đất thì không được ghi tên”.
 
Bộ TN-MT “rút kinh nghiệm” vụ ghi tên thành viên gia đình lên sổ đỏ
Ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường) lý giải thông tin "ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ hộ gia đình".
 
Theo ông Phấn, quản lý đất đai trải qua lịch sử rất dài, chế độ quản lý sử dụng đất ở từng giai đoạn cũng phải thay đổi, phù hợp với Luật đất đai và Bộ luật dân sự.
 
Luật Đất đai những năm 1987-1998 quy định, chủ thể quản lý là hộ gia đình, đối tượng cấp đất là hộ gia đình.
 
Tuy nhiên sau này đối tượng cấp đất là chủ thể hộ gia đình không còn phù hợp, dễ dẫn tới nhiều tranh chấp nội bộ giữa các thành viên trong hộ gia đình.
 
“Công tác quản lý hướng tới từng chủ thể, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch hoá thị trường. Việc Bộ luật dân sự năm 2015 hướng tới cá thể hoá, ghi tên trên giấy chứng nhận hộ gia đình là hoàn toàn phù hợp”- ông Phấn nói.
 
Theo ông Phấn, đối với sổ đỏ hộ gia đình (không phải sổ đỏ của các cặp vợ chồng hoặc đứng tên cá nhân như hiện nay-PV) thì có 2 cách thể hiện: Các thành viên cử người đại diện đứng tên, hoặc tất cả các thành viên có quyền sử dụng đất cùng đứng tên trên sổ đỏ hộ gia đình.
 
Ông Phấn nhấn mạnh: “Đối với giấy chứng nhận đã cấp trước đây cho các hộ gia đình vẫn có giá trị pháp lý. Những hộ gia đình có nhu cầu điều chỉnh thông tin, cập nhật thêm tên các thành viên có quyền sử dụng đất lên sổ đỏ thì sẽ được cơ quan nhà nước có trách nhiệm cập nhật thông tin vào giấy chứng nhận. Tôi khẳng định việc này không đẻ ra thêm thủ tục, trình tự”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xin rút kinh nghiệm
 
Có mặt tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng khẳng định, Thông tư 33/2017 không thay đổi về mặt pháp lý so với Thông tư 23 trước đó (Thông tư 33 sửa đổi, bổ sung quy định của Thông tư 23 - PV).
 
“Thủ tục tại Thông tư 33 được mở thoáng hơn, dễ hơn cho cơ quan chuyên môn làm. Trong một hộ gia đình có 10 người thì cấp 10 giấy theo yêu cầu, đến Thông tư 33 cho phép ghi tên tất cả mọi người có quyền sử dụng đất lên giấy chứng nhận thì được cấp 1 giấy, đơn giản hơn nhiều. 10 người 10 giấy chứng nhận như trước đây thì khi có biến động về đất đai phải thu hồi đủ 10 giấy, chỉ 1 người mất giấy thì giao dịch vô cùng khó khăn rồi”- ông Nghĩa phân tích.
 
“Hà Nội đang xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và cơ sở dữ liệu dân cư, khi kết nối với nhau thì thực hiện thông tư này cực kỳ đơn giản, không hề có chuyện gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Nội dung này chúng tôi cũng đã thực hiện từ lâu rồi, thực hiện rất tốt, không có gì vướng mắc. Suốt năm 2017 chỉ có 4 vụ tranh chấp trong nội bộ gia đình khi thực hiện như Thông tư 33 thôi. Không có gì phức tạp cả. Chúng tôi đánh giá cao Thông tư 33 thừa hành thực hiện thuận lợi hơn, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất một cách triệt để hơn”- ông Nghĩa nói tiếp.
 
Khẳng định quá trình xây dựng Thông tư 33 đã được tiến hành theo đúng trình tự và xin ý kiến góp của các bộ ngành liên quan nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng quản lý đất đai là lĩnh vực rất nhạy cảm. Có những quy định ban hành ra thì người “trong ngành” hiểu ngay nhưng “bên ngoài mọi người chưa hiểu đúng ý của mình”.
 
“Chúng tôi thấy cần rút kinh nghiệm, xin tiếp thu vì pháp luật về tài nguyên và môi trường rất rộng. Quan trọng nhất là làm sao để văn bản ra đời thì người dân cũng đều hiểu được dễ dàng”.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, sau khi Thông tư 33 có hiệu lực thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành công bố văn bản hợp nhất với Thông tư 23 để người dân dễ dàng theo dõi thông tin hơn.
Thế Kha - Trần Thanh (báo Dân trí)