Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đề xuất nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long

(10:38:53 AM 26/11/2017)
(Tin Môi Trường) - Ngày 24/11, tại Cần Thơ, Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Môi trường, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu". Hội thảo quy tụ sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về môi trường. Qua phân tích, đánh giá thực trạng, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề xuất nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long

Ảnh minh hoạ: IE

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường, Đại học Cần Thơ đề dẫn: Những tác hại của biến đổi khí hậu đã hiển hiện rất rõ nét tại Đồng bằng sông Cửu Long, như hạn hán, ngập lụt, nhiễm mặn, đất bạc màu, nước ngầm kiệt... dẫn đến mất mùa, sạt lở mất đất, thiếu nước sinh hoạt. Trước những biến đổi của tự nhiên như vậy, con người không thể nào "làm chủ" được, thay vào đó cần phải thích ứng, "sống chung với biến đổi khí hậu". 
 
Từ thay đổi nhận thức đó, cần chuyển từ "quyết" ngăn đập, ngăn mặn... sang nghiên cứu chuyển đổi mô hình cây trồng/vật nuôi phù hợp với sự chuyển biến của khí hậu; từ sử dụng năng lượng không tái tạo sang năng lượng tái tạo, như mặt trời, gió, nước, áp dụng các tiến bộ công nghệ vào đời sống... 
 
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thịnh và cộng sự (Ban Quản lý Dự án huyện Chợ Mới, An Giang) chia sẻ: Tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, biến đổi khí hậu khiến chất lượng đất, nguồn nước không còn phù hợp với trồng lúa. Các chuyên gia đã đề xuất, thí điểm chuyển đổi mô hình trồng màu kết hợp cây ăn trái, trồng bắp kết hợp chăn nuôi bò... cho kết quả khả quan, đảm bảo thu nhập và đời sống cho bà con. 
 
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Văn Bé, Phạm Thanh Vũ (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ) nêu thực trạng xâm nhập mặn ngày càng nặng tại một số tỉnh dọc đường bờ biển như Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng... khiến nhiều nơi bị mất mùa lúa lên tới hơn 90%. Từ đó, các chuyên gia đề xuất giải pháp xen canh lúa - tôm tại các vùng nhiễm mặn, khi lượng mặn vượt ngưỡng chịu của lúa, sẽ dừng để nuôi tôm. Song song đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ, như phối hợp liên vùng trong chia sẻ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm bằng các giải pháp công nghệ như tưới chính xác. 
 
Các giải pháp công nghệ được coi là hướng đi chính cho tình thế "sống chung với biến đổi khí hậu" được hầu hết các chuyên gia đồng quan điểm. Công nghệ giúp nghiên cứu, tạo ra các giống cây trồng/vật nuôi cho năng suất cao, ít bệnh, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. 
 
Ngoài ra, công nghệ hiện đại còn giúp tối đa hóa các phụ phẩm vốn được coi là rác, bị vứt bỏ hoặc đốt gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Các ví dụ minh họa được các chuyên gia Trần Sỹ Nam (Đại học Cần Thơ, Kjeld Ingvorsen (Đại Hồ Chí Minh Aarhus, Đan Mạch) chỉ ra như: Dùng rơm và bèo theo phương pháp ủ yếm khí để tạo khí biogas, bùn thải được xử lý để thành đất dinh dưỡng....
Ánh Tuyết -TTXVN