Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phiên họp thứ 11 Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

(17:24:44 PM 25/11/2017)
(Tin Môi Trường) - Ngày 24/11, Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai) đã tổ chức phiên họp thứ 11 nhằm tổng kết tình hình triển khai Đề án sông Đồng Nai trong năm 2016 – 2017 và xây dựng kế hoạch triển khai năm 2018 cũng như giai đoạn tiếp theo. Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT; ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai chủ trì Hội nghị.


Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái chủ trì Hội nghị

 

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực sông lớn nhất của Việt Nam, chảy qua 11 tỉnh, thành phố trong đó có 7 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nguồn nước của nó có vai trò đặc biệt quan trọng, phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội cho một trong những vùng kinh tế trọng điểm phát triển năng động nhất nước ta.
 
Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng  trên lưu vực đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước có lúc và có nơi đã lên đến mức báo động. Nguyên nhân gây ô nhiễm chính là từ các nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, nước thải y tế và tác động của các hoạt động phát triển thủy điện, thủy lợi, khai thác và chế biến khoáng sản trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
 
Theo Văn phòng  Ủy ban  BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai): Trong năm 2016 – 2017, các tỉnh, thành trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai  đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu của Đề án và đạt được  nhiều kết quả đáng ghi nhận như: chất lượng nước  của hệ thống sông được duy trì ổn định, đáp ứng các yêu cầu  phát triển của 11 tỉnh, thành phố; hệ thống quan trắc  và giám sát môi trường nước được đầu tư; ban hành một  số cơ chế, chính sách, tạo được hành lang pháp lý cho  công tác BVMT  lưu vực sông; cùng với việc một số dự án  thoát nước và xử lý nước thải hoàn thành và đi vào hoạt động, tỷ lệ  các đô thị có hệ thống xử lý nước thải đã tăng lên đáng kể; công tác điều tra, thống kê  nguồn nước thải và lập kế hoạch quản lý, xử lý  được chú trọng; ý thức  tuân thủ pháp luật  về BVMT của các tổ chức, cơ sở  sản xuất, kinh doanh dịch vụ và  người dân đã có nhiều tiến bộ; nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương về vai trò, trách nhiệm phối hợp trong công tác BVMT lưu vực sông đã được tăng cường.
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai cho biết: công tác phối hợp giải quyết các vấn đề liên vùng, liên tỉnh được đảy mạnh, đặc biệt trong giải quyết các điểm nóng tại khu vực giáp ranh. Tại phiên họp thứ 10, các tỉnh, thành trên lưu vực sông đã cùng ký kết “Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tại nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng và Bình Phước”. Trong năm 2017, Quy chế này đã giúp các tỉnh giáp ranh cùng nhau tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề môi trường một cách hiệu quả hơn.
 
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng tiếp tục thực hiện các hoạt động khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước trên lưu vực sông, đặc biệt là hoạt động vớt, xử lý lục bình khai thông dòng chảy trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ và các kênh rạch giáp ranh giữa TP. HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.
 
Song song với nhiệm vụ trọng tâm về triển khai quản lý và xử lý các nguồn thải, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ lưu vực sông luôn được ưu tiên đầu tư và thực hiện tích cực với nhiều hình thức mới lạ, thu hút sự tham gia của cộng đồng; công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn các tỉnh, thành thuộc lưu vực vẫn được tiếp tục tăng cường thực hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; công tác quy hoạch, thẩm định và cấp phép khai thác tài nguyên được thực hiện thận trọng và tầm nhìn chiến lược để cùng bảo vệ nguồn tài nguyên hữu hạn của chúng ta.
 
Ông Đinh Quốc Thái cũng đề nghị, cùng với việc đánh giá tình hình  triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong năm 2016 – 2017, Ủy ban sẽ tiếp tục  cùng nhau nhìn nhận, trao đổi và thống nhất  các vấn đề còn đang  vướng mắc trong  quản lý tổng hớp  lưu vực sông.  Qua đó, sẽ cùng bàn bạc, tìm ra  giải pháp tối ưu cho cho các vấn đề  về bảo vệ nguồn nước, cùng nhau tháo gỡ các khó khăn trong quá trình quản lý lưu vực sông, chia sẻ thông tin và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý bảo vệ  môi trường nước mặt tại các địa phương trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
 
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Bên cạnh việc triển khai các chương trình, đề án tại địa phương, TP.HCM luôn hiểu rõ rằng vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và  bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói riêng là một vấn đề xuyên ranh giới, cần phải có sự phối hợp, chia sẻ, kết nối, đồng bộ và thống nhất trong quá trình triển khai giữa các tỉnh thành trên cả nước nói chung và giữa những tỉnh thành giáp ranh nói riêng; và đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất để triển khai một cách bền vững các chương trình, đề án bảo vệ môi trường và đặc biệt là bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.
 
Trong đó, mạng lưới quan trắc và giám sát môi trường đã được thực hiện hầu hết trên các kênh rạch thuộc địa bàn thành phố; thiết lập một hệ thống quan trắc tự động đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý, cơ sở dữ liệu về nguồn thải cơ bản hoàn thiện; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu các cơ sở có biên pháp xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thông qua 02 kế hoạch là kế hoạch xử lý các cơ sở gây nhiễm môi trường và kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố.
 
Quang cảnh Hội nghị Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban sông Đồng Nai
 
Đánh giá công tác triển khai Đề án sông Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho  rằng: 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, tích cực triển khai các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu của Đề án nói riêng và trong công tác bảo vệ môi trường nói chung. Trong đó, trong năm qua việc khánh thành và đưa vào sử dụng một loạt các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước... đã nâng cao đáng kể tỷ lệ các khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung, như Bình Dương tăng từ 20% lên 60%, TP.HCM  tăng từ 13,2% lên 21%, đã đóng góp đáng kể vào việc cải thiện chất lượng nước và vệ sinh môi trường trên lưu vực sông.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án sông Đồng Nai còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, đặc biệt là trong việc huy động nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước các dòng sông.  Điều đó cho thấy, để đạt được các mục tiêu của Đề án cần tiếp tục có sự phối hợp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
 
Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian qua; để việc triển khai Đề án sông Đồng Nai đạt hiệu quả, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đề nghị các  thành viên của Ủy ban sông Đồng Nai cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận một số vấn đề chính:
 
Một là, cần thực hiện quy hoạch tổng thể trên toàn lưu vực theo từng giai đoạn phát triển, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nhằm hài hòa giữa lợi ích trong phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; hài hòa lợi ích của các địa phương ở thượng lưu và hạ lưu. Trong đó, cần chú trọng đến quy hoạch phát triển thủy điện, khu, cụm công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản... ở thượng lưu và quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng cơ sở ở hạ lưu phù hợp với khả năng chịu tải của dòng sông.
 
Hai là, phải coi công tác BVMT  là một hoạt động quan trọng, không thể tách rời trong tiến trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ô nhiễm môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh, thành phố làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chính vì vậy, các tỉnh, thành phố trên lưu vực cần khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch và bố trí kinh phí thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; thường xuyên hơn nữa nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
 
Ba là, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trên lưu vực, khắc phục ngay các xung đột lợi ích cục bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực, đặc biệt là các địa phương hạ nguồn.
 
Bốn là, các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên lưu vực trong quá trình triển khai Đề án. Đặc biệt, trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động các nguồn lực tổng hợp để triển khai các nhiệm vụ, dự án đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường nước các dòng sông, kênh, rạch thuộc hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm, suy thoái.
 
Năm là, Kế hoạch triển khai Đề án năm 2018, mỗi địa phương tùy vị trí trên lưu vực và nguồn lực của mình lựa chọn những nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên thực sự cụ thể và cấp thiết để triển khai, cụ thể các địa phương thượng nguồn tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng tạo nguồn sinh thủy cho lưu vực, kiểm soát các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản; các địa phương phía hạ lưu tăng cường quản lý và xử lý chất thải, ưu tiên tiên dây chuyền công nghệ xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt phù hợp, hiệu quả, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các ngành nghề có sử dụng hóa chất gây nguy hiểm cho con người và môi trường…

Theo Ủy ban sông Đồng Nai, trong năm 2018, các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực  hệ thống sông Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, thiết lập trung tâm tiếp nhận số liệu từ các trạm quan trắc nước thải tự động của các nguồn thải lớn  theo quy định; triển khai giải quyết các điểm nóng ô nhiễm  môi trường tại các khu vực giáp ranh; triển khai  các hoạt động khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước trên lưu vực hệ thống sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý  nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường; công tác quy hoạch, thẩm định và cấp phép; công tác tuyên truyền  nâng cao nhận thức về BVMT.

PHƯƠNG KHANH - Nguồn: Bộ TN&MT