Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tổng cục môi trường thông tin về vấn đề xả khí thải vượt chuẩn tại lò thiêu kết của Formosa Hà Tĩnh

(17:06:52 PM 25/11/2017)
(Tin Môi Trường) - Ngày 24/11/2017, một số cơ quan báo chí có đưa tin về vấn đề xả khí thải tại lò thiêu kết của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) và dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải ngành công nghiệp sản xuất thép. Tổng Cục môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin về vấn đề này như sau:

Thông tin về vấn đề xả khí thải vượt chuẩn tại lò thiêu kết của Formosa Hà Tĩnh

Hệ thống ống khói tại các lò thiêu kết của Formosa đang xả thải vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam nhiều lần.-Ảnh: TP


1. Về việc kiểm soát môi trường khí thải Xưởng thiêu kết của FHS
 
- Sau sự cố môi trường trên biển miền Trung, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổ giám sát liên ngành phối hợp chặt chẽ với Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục quá trình thực hiện các hạng mục bảo vệ môi trường cải thiện, bổ sung để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường. Việc kiểm soát môi trường tại Formosa Hà Tĩnh đang được lực lượng chức năng thực hiện thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và hoạt động quan trắc chất thải định kỳ hàng ngày. Các số liệu quan trắc tự động, liên tục khí thải đều được theo dõi và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường.
 
Các vi phạm, tồn tại về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề xử lý khí thải tại Xưởng thiêu kết đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đầy đủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu FHS có Kế hoạch khắc phục tại Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT ngày 09/11/2016, đảm bảo các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường của FHS phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của quốc tế. Như vậy, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của FHS không liên quan đến việc nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam hiện nay. FHS đã cam kết đầu tư trên 100 triệu USD để lắp đặt thiết bị khử SO2, NOx của Xưởng thiêu kết, hoàn thành vào tháng 06 năm 2019. Trong thời gian lắp đặt các thiết bị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu FHS kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo sử dụng nguyên liệu và nhiên liệu sạch để không làm phát sinh chất ô nhiễm ra môi trường.
 
Trong quá trình rà soát kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do FHS gây ra, việc ban hành các văn bản pháp lý chưa phù hợp liên quan đến FHS đã được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
- Việc phát thải của FHS trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hiện nay đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. Các thông số ô nhiễm đo được trong nước thải, khí thải của các nhà máy, xưởng sản xuất đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Riêng tại Xưởng thiêu kết, các thông số bụi tổng, dioxin/furan, hơi kim loại,… đều thấp hơn nhiều lần so với QCVN 51:2013/BTNMT. Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với QCVN 51:2013/BTNMT. Việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải. Từ kết quả giám sát trong quá trình vận hành thử nâng công suất, FHS sẽ đầu tư bổ sung công nghệ, thiết bị xử lý đáp ứng nghiêm ngặt QCVN. Hiện nay, để giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu về khí thải, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TN&MT, cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng không chỉ áp dụng quy chuẩn của Việt Nam mà còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc.
 
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ và yêu cầu FHS thực hiện nghiêm túc Kế hoạch khắc phục nêu trên theo đúng tiến độ.
 
Hệ thống ống khói tại các lò thiêu kết của Formosa đang xả thải vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam nhiều lần.-Ảnh: TP
 
2. Về việc sửa đổi Quy chuẩn QCVN 51:2013/BTNMT
 
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nhằm khắc phục ngay những vướng mắc bất cập, tiếp cận các quy chuẩn môi trường tiên tiến trên thế giới, quán triệt nghiêm quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Dự thảo quy chuẩn sửa đổi QCVN 51:2013/BTNMT đang được Tổ soạn thảo thực hiện rà soát, xây dựng theo đúng quan điểm chỉ đạo nêu trên.
 
Liên quan đến thông số về Oxy tham chiếu trong Quy chuẩn mới đang được xây dựng và mối liên hệ giữa thông số này với vấn đề khí thải của Formosa được đề cập trong một số bài báo trong vài ngày gần đây:
 
Ô xy tham chiếu là thông số trong công thức tính toán nồng độ phát thải các thông số môi trường trong khí thải do từng quốc gia quy định, không phải là hàm lượng Ô xy dư đo được thực tế trong ống khói. Trên thế giới, khi đốt (thiêu kết nguyên liện rắn) nồng độ ô xy tham chiếu thường được quy định: từ 6-11% (đối với các nước EU và Mỹ), 15% (Nhật Bản, Hàn Quốc),... và nó phụ thuộc vào loại nhiên liệu đốt và công nghệ đốt. Quá trình thiêu kết quặng là quá trình đốt hở ở nhiệt độ thấp (khác với đốt trong lò kín), nên các nước đều có quy định riêng nồng độ Ô xy tham chiếu cho công đoạn này (ở Việt Nam quy định nồng độ Ô xy tham chiếu cho tất cả các loại lò đốt, công nghệ đốt, nhiên liệu đốt là 7%). Tuy nhiên, tuỳ theo công nghệ, trình độ phát triển và yêu cầu bảo vệ môi trường của các nước, nồng độ phát thải các thông số ô nhiễm (như SO2, NOx,...) sẽ được quy định khác nhau. 
 
Trong quá trình soát xét, rà soát và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc…, Tổ soạn thảo đã nhận diện các vướng mắc, bất cập của QCVN 51:2013/BTNMT, trong đó có việc quy định hàm lượng Ôxy tham chiếu là 7% nhưng không nêu rõ việc áp dụng cụ thể đối với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng là chưa hợp lý. Trên cơ sở đó, Tổ soạn thảo đã đề xuất các nội dung sửa đổi Quy chuẩn, trong đó có xem xét đến các yếu tố công nghệ của các nhà máy đã đầu tư trước đây và các nhà máy mới để đảm bảo việc đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thép gắn với bảo vệ môi trường.
 
Việc thay đổi tiêu chuẩn đã được tham vấn, lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân liên quan, bao gồm: Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, Tổng công ty Thép Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất thép, các cơ quan quản lý môi trường địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, người dân và đã nhận được nhiều ý kiến đa chiều của các bên liên quan. Theo Quy chuẩn hiện hành, mức quy định Ôxy tham chiếu là 7% cho tất cả các công đoạn, công nghệ sản xuất và nguyên liệu sử dụng, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị hàm lượng Ôxy tham chiếu cho công đoạn thiêu kết là 19-20%. Tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, dự thảo Quy chuẩn hiện nay đề xuất áp dụng là 15% cho công đoạn thiêu kết tương tự như quy định của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời xem xét giảm nồng độ tối đa cho phép đối với một số thông số ô nhiễm (SO2, NOx) trong khí thải sản xuất thép, phù hợp với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
 
Với việc yêu cầu FHS phải đáp ứng các quy chuẩn về môi trường của quốc tế như đã nêu ở trên, việc rà soát, điều chỉnh QCVN 51:2013/BTNMT được thực hiện theo hướng quy định chặt chẽ hơn, phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất thép của Việt Nam và hội nhập quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép Việt Nam; không phải để hợp thức hóa cho FHS.
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Tổ soạn thảo khẩn trương báo cáo về quá trình tiếp thu ý kiến về dự thảo quy chuẩn để xem xét chỉ đạo hoàn thiện trước khi gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đề nghị các cơ quan, báo chí tăng cường thông tin, chuyển tải ý kiến đóng góp của nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân về dự thảo Quy chuẩn nêu trên. Quan điểm của chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT là các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường phải nghiêm ngặt, đảm bảo tính an toàn đối với con người và môi trường, có lộ trình áp dụng đối với các nhà máy cũ và dự án mới, phù hợp với các tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế.
NHẬT VIÊN - Nguồn:Tổng cục môi trường