Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mổ cắt lọc, điều trị loét chân do tiểu đường

(19:57:04 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Trước đây, nhiều bệnh nhân tiều đường bị loét chân đến hoại tử, buộc phải cắt cụt chân nay, một phương pháp mới được áp dụng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM giúp bệnh nhân có bàn chân lành lặn...

Trước đây, nhiều bệnh nhân tiều đường bị loét chân đến hoại tử, buộc phải cắt cụt chân nay, một phương pháp mới được áp dụng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM giúp bệnh nhân có bàn chân lành lặn...

 

Bệnh nhân thứ 30 trong nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Đại học (BV ĐH) Y Dược TP.HCM về nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường vừa mới ra viện. Bệnh nhân được mổ cắt lọc theo quan điểm mới, may chỉ nylon, kê chân cao...

Số lượng bệnh nhân tiểu đường nằm viện do các biến chứng ở bàn chân là 25 phần trăm. (Ảnh: H.Cát)

Bệnh nhân Trần Văn S, 68 tuổi, mắc bệnh tiểu đường đã 10 năm nay, hàng ngày vẫn sử dụng thuốc đều đặn. Hơn một tháng trước, trong một lần vấp ngã, bàn chân trái của ông đã bị trầy, nhiễm trùng ngay sau đó và những tháng ngày dài lê thê trong các bệnh viện lại diễn ra.   

 

Mọi cố gắng của các thầy thuốc cũng chỉ ngăn chặn không cho quá trình hoại tử lan rộng lên phía trên cẳng chân. Kháng sinh cũng rất mạnh, những loại thuốc đắt tiền như Fortum cũng đã được tung ra như một loại vũ khí cuối cùng không cho quá trình nhiễm trùng lan rộng.

 

Người nhà và các bác sĩ cũng đã tính đến khả năng phải cắt cụt chân để cứu sống bệnh nhân và lần này ngoại khoa đã vào cuộc, với kỹ thuật cắt lọc và điều trị mới, cùng các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, hiện tượng nhiễm trùng đã bị đẩy lui và như một phép mầu nhiệm nào đó, vết thương đã lành.

 

Mổ cắt lọc - phương pháp điều trị loét bàn chân do tiểu đường

 

Tại Việt Nam, trước đây trong điều trị ngoại khoa bàn chân tiểu đường, người ta sẽ cắt lọc, ngâm chân với thuốc sát trùng, sử dụng kháng sinh mạnh... Nhiều bệnh nhân được ngâm chân đến 3 - 4 lần trong ngày.

 

Việc cắt lọc cũng có nhiều điều chưa phù hợp, mô xương viêm không được đánh giá đúng và lấy ra hết, vết thương thường để hở làm cho thời gian lành vết thương kéo dài.

 

Ngoài ra bệnh nhân không được kê chân cao, đi lại thoải mái làm cho bàn chân bị phù nề, việc dẫn lưu không tốt và mạch máu tới nuôi kém nên tỷ lệ phải cắt cụt chân khá cao. Thậm chí nó còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi của nhiều bệnh nhân.  

Ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao: bệnh nhân đã bị cắt cụt một ngón chân hoặc một chi, phải dùng các loại giày được đóng riêng tuy hình thù có thể không được đẹp lắm. (Ảnh minh họa: H.Cát)

Hiện nay, để đánh giá tình trạng chung, tất cả các bệnh nhân đều được tiến hành làm các xét nghiệm về đường huyết lúc đói 04h00 sáng và 08h00 tối, đường niệu, chức năng gan, chức năng thận.  

 

Ngoài X quang bàn chân để xác định tổn thương xương nếu có, người ta còn kết hợp với siêu âm Doppler mạch máu. Qua đó xác định tổn thương của các mạch máu lớn như động mạch chủ bụng, động mạch chậu, đùi, khoeo, chày trước và chày sau.

 

Mục tiêu của siêu âm Doppler là xác định tổn thương về hình thái học của động mạch, tìm ra những đoạn động mạch bị tắc nghẽn, bản chất của tắc nghẽn và huyết động học của chi có tổn thương.

 

Người phẫu thuật viên cần phải đánh giá kỹ tổn thương bằng cách sử dụng que thăm dò và kéo để chắc chắn rằng không có vùng mủ nào bị che giấu. Nếu qua cây thăm dò đã đụng đến xương thì đã có đủ bằng chứng cho thấy xương đó đã bị tổn thương và cần phải loại bỏ khi cắt lọc.

 

Khi cắt lọc sạch, vết thương sẽ được may lại một lớp bằng chỉ nylon. Phẫu thuật cắt bỏ phần xương bị nhiễm kết hợp với điều trị kháng sinh được coi như là biện pháp điều trị viêm tủy xương có hiệu quả nhất. Có khi phải cắt lọc nhiều lần cho đến khi xuất hiện mô hạt.

 

Trong thời gian hậu phẫu, bệnh nhân tiếp tục được điều chỉnh đường huyết bằng Insulin với sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Bệnh nhân còn được kê chân cao, thay băng mỗi ngày, không ngâm nước, đi lại không chống chân đau và cắt chỉ sau 21 ngày.

 

Bác sĩ David R Campbell, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này của ĐH Harvard, đã mổ cho hơn 3.000 bệnh nhân bị nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường. Ông khuyên rằng, nên khâu vết thương lại bằng chỉ Nylon sau khi đã cắt lọc sạch, để chân cao tạo điều kiện dẫn lưu tốt cho cả hệ bạch huyết và đặc biệt là đi lại không được chống chân đau xuống đất trong thời gian tối thiểu là 21 ngày.  

Theo những thống kê mới nhất, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở Hà Nội là 1,1 phần trăm, ở Huế là 0,96 phần trăm, ở các quận nội thành Thành phố Hồ Chí Minh là 2,52 phần trăm, trong đó tiểu đường týp II chiếm hơn 90 phần trăm. Bên cạnh các biến chứng về mắt, thận, tim mạch..., biến chứng và tổn thương trên bàn chân là lý do nhập viện thường gặp nhất ở bệnh nhân tiểu đường. Ở những bệnh nhân bị tiểu đường, do suy yếu của hệ thống miễn dịch nên hiện tượng nhiễm trùng có thể xảy ra với nhiều loại vi trùng gồm cả gram âm, gram dương và vi trùng kỵ khí. ố lượng bệnh nhân nằm viện do các biến chứng ở bàn chân là 25 phần trăm. 50 phần trăm các trường hợp cắt đoạn chi không do chấn thương là do biến chứng của tiểu đường.

Tác giả này cũng khuyên rằng: không bao giờ được ngâm chân vào nước sát trùng. Việc cấm ngâm chân như là một điều trị kinh điển vì hai lý do: đầu tiên da bàn chân bị ẩm rất dễ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập và thứ hai, bệnh nhân có thể bị bỏng bởi nước nóng do bệnh lý thần kinh gây mất cảm giác không nhận được nhiệt độ của nước.  

 

Phòng ngừa loét - Không cấm mang giày

 

Biến chứng trên bàn chân đều có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp bảo vệ đôi chân một cách đơn giản và hữu hiệu ngay từ khi phát hiện bệnh. Đặc điểm của bàn chân bị tổn thương do tiểu đường thường giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác đau, bàn chân bị biến dạng, các cơ nhỏ bị teo làm các ngón chân quặp lại, đầu xương cụp xuống, tư thế bàn chân không khớp với giày hoặc dép đúng cỡ.

 

Các điểm chịu sức ép cao phát triển nhiều làm da vùng này bị dày lên tạo nên các cục chai ở gót chân, phía ngoài cạnh ngón út hoặc phía trong cạnh ngón cái. Khi phối hợp với dinh dưỡng kém của da, xây xát và tê có thể làm mô bị phân hủy nhanh tạo điều kiện hình thành các vết loét.

 

Lưu lượng máu ở bàn chân bị tổn thương lúc này gia tăng có thể nhận biết qua hiện tượng mạch nảy mạnh, khi nằm các tĩnh mạch nổi phồng lên, bàn chân ấm cũng nguy hiểm như bàn chân lạnh. Loét lòng bàn chân là tổn thương kinh điển.

 

Giáo dục cho bệnh nhân nhận thức được vấn đề chăm sóc bàn chân rất quan trọng trong việc đề phòng loét và cắt cụt chi, đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ cao: bệnh nhân đã bị cắt cụt một ngón chân hoặc một chi, bệnh nhân đã ghép thận (1/3 số này có thể sẽ nhập viện vì các vết loét ở bàn chân), người có tiền sử lở loét ở bàn chân, giảm hoặc mất cảm giác đau, tê toàn bộ bàn chân hoặc có cảm giác giống kiến bò, đau cách hồi khi đi lại, tiểu đường trên 10 năm hoặc tiểu đường trên những bệnh nhân lớn tuổi. Đặc biệt đàn ông dễ bị loét chân hơn phụ nữ có lẽ do phụ nữ thường chú ý săn sóc cơ thể hơn.

 

Các chuyên gia không cấm mang giày, nhưng phải cẩn thận nếu việc mang giày gây ra những cục chai, phồng giộp. Giày không được chật quá hoặc rộng quá. Dân gian có câu: giày thừa, dép thiếu có lẽ rất phù hợp với bệnh nhân tiểu đường.

 

Những người có các cục chai hoặc biến dạng bàn chân phải dùng các loại giày được đóng riêng tuy hình thù có thể không được đẹp lắm. Việc chọn giày cũng phải căn cứ theo khí hậu và lối sống, ví dụ không nên đi giày cao su vào mùa nóng...

 

Trước khi mang giày nên kiểm tra xem có vật lạ bên trong hay không. Giày phải thoải mái và phù hợp với nghề nghiệp, chỉ nên mang giày trong một thời gian ngắn 2-3 giờ. Phân bố sức nặng phải đồng đều khi mang giày, việc này khó thực hiện với một vài loại giày như giày cao gót.

 

(Theo Vietnamnet)