Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đề nghị sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường

(01:33:59 AM 16/11/2017)
(Tin Môi Trường) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường.

Đề nghị sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường

Ảnh: IE

 

Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014 đến nay đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện cho công tác bảo vệ môi trường.
 
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức về bảo vệ môi trường của mọi tầng lớp nhân dân ngày một nâng cao, yêu cầu bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường trở nên cấp thiết, trong khi đó các vấn đề môi trường diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp và khó lường, đòi hỏi pháp luật bảo vệ môi trường phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
 
Qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường tại các luật có liên quan thời gian qua cho thấy quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nên đã phát huy được những tác động tích cực.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành, địa phương và các đối tượng liên quan. Cụ thể, một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn. Bên cạnh đó, các quy định bảo vệ môi trường được quy định ở nhiều luật khác nhau (như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, dự thảo Luật Quy hoạch…), song giữa các luật này còn một số điểm còn có sự giao thoa, chưa thống nhất, còn một số khoảng trống chưa được quy định đã ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
 
Cùng với đó, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa theo kịp, phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các loại thuế, phí về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường”, “người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải trả tiền” mới chỉ bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách mà chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh. Chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động bảo vệ môi trường.
 
Bên cạnh đó, việc phân công, phân cấp thẩm quyền trong quản lý chất thải vẫn còn chồng chéo và chưa hợp lý, chưa đi đôi với tăng cường năng lực, phân định rõ trách nhiệm. Việc phân công, phân cấp trách nhiệm, thẩm quyền trong việc giải quyết các sự cố môi trường có tính liên vùng, liên ngành chưa được quy định cụ thể, rõ ràng dẫn đến sự phối hợp không nhất quán, còn lúng túng, hiệu quả chưa cao khi có sự cố môi trường xảy ra. Các quy định của pháp luật mới chỉ chú trọng trách nhiệm từ phía Nhà nước, thiếu cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội, từng doanh nghiệp và người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.
 
Thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, thời gian qua, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Điều ước thương mại song phương và đa phương nhằm mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội; trong đó có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Để thực thi đầy đủ các cam kết môi trường trong các Điều ước quốc tế, trước hết đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường tương thích, và phù hợp với các quy định đã ký kết. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Việt Nam cần tiếp tục tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm quản lý môi trường thành công của các nước tiên tiến, các nước có điều kiện tương đồng trên thế giới, nhất là trong việc đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường, cũng như giải quyết các vấn đề về ô nhiễm, sự cố môi trường trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ môi trường đồng bộ, sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, việc xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và các luật có liên quan liên quan đến bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết, cấp bách.
 
Mục đích của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, nâng tầm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phù hợp các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường; tương thích với thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ về bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
 
Về phạm vi điều chỉnh, Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và một số quy định liên quan đến bảo vệ môi trường tại các luật: Luật tài nguyên nước, Luật khoáng sản. Nội dung sửa đổi tập trung vào một số chính sách sau: (i) đánh giá tác động môi trường; (ii) quy hoạch bảo vệ môi trường và tiêu chí sàng lọc dự án; (iii) giấy phép môi trường; (iv) công cụ kinh tế và nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường; (v) quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; (vi) quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn môi trường; (vii) trách nhiệm quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
BTV - Nguồn: Bộ TN&MT