(Tin Môi Trường) - “Chọn năng lượng “xanh” hay “xám” cho ĐBSCL?” là câu cuối cùng trong báo cáo “Tác động của nhiệt điện than tới môi trường và sức khoẻ cộng đồng” của PGS. TS Lê Anh Tuấn-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ với các nhà báo tại tập huấn “Kỹ năng viết báo về biến đổi khí hậu và năng lượng” do CHANGE phối hợp cùng GreenID tổ chức tại An Giang ngày 10 và 11/11/2017. Lời kết của PGS.TS Lê Anh Tuấn lại chính là lời mở đầu cho câu hỏi về số phận của 14 nhiệt điện than được qui hạch ở ĐBSCL (Theo Quy hoạch Điện VII Điều chỉnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đến năm 2030).
PGS. TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu,Trường đại học Cần Thơ chia sẻ với các nhà báo tại tập huấn “Kỹ năng viết báo về biến đổi khí hậu và năng lượng” do CHANGE phối hợp cùng GreenID tổ chức tại An Giang ngày 10 và 11/11/2017.
Qui hoạch 14 nhiệt điện than ở Đồng bằng Sông Cửu Long, nguy cơ cao!
PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu,Trường đại học Cần Thơ cho biết: Văn bản phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII Điều chỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua ngày18/3/2016.
Theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh này, đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ có công suất khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm 49,3% điện sản xuất toàn quốc, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than. Đến năm 2030, tổng công suất điện than sẽ tăng lên đến khoảng 55.300 MW, sản xuất 304 tỷ kWh, chiếm 53,3% điện sản xuất toàn quốc và tiêu thụ 129 triệu tấn than mỗi năm.
Đến giai đoạn này, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 85 triệu tấn than/năm cho sản xuất điện, gấp hai lần khả năng cung cấp than trong nước (40 triệu tấn than/năm), vì đến thời điểm này nguồn than ở Việt Nam đã dần cạn kiệt hoặc khó khai thác thương mại.
Theo Quy hoạch này, một loạt các nhà máy nhiệt điện than sẽ được xây dựng ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Cụ thể, dọc theo tuyến sông Hậu từ thành phố Cần Thơ, xuống tỉnh Hậu Giang và tiếp ra đến cửa biển giữa hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đã và đang hình thành khoảng 15 nhà máy nhiệt điện. Ngoài các nhà máy dọc theo dòng sông Hậu ra đến biển, ở ĐBSCL còn có các nhà máy nhiệt điện dự kiến được xây dựng ở Long An (Long An I và II, với công suất lắp đặt 1.200 MW/nhà máy) và Bạc Liêu (1.200 MW). Các dự án nhiệt điện khác ở Kiên Lương, Kiên Giang (Kiên Lương I, II, III), Than An Giang (2.000 MW) và Sông Hậu II (2.000 MW) đã được loại bỏ trong QHĐ VII Điều chỉnh.
Bên cạnh đó, ở Cà Mau còn có 2 dự án nhiệt điện (Cà Mau I và Cà Mau II) nằm trong tổ hợp khí - điện - đạm với công suất ước tính mỗi nhà máy là 750 MW khi đốt khí; 669,8 MW khi đốt dầu DO.
Hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đều dùng nhiên liệu chính là than, một số ít dùng dầu DO hoặc khí đốt. Than hiện nay được cung cấp một phần từ các mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh và tương lai gần các nhà máy này sẽ sử dụng than nhập khẩu từ Úc, Indonesia, hoặc Nga.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn cũng cho biết: Thông tin tham khảo về các quốc gia sử dụng than có thể tìm dễ dàng trên Internet. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nhiều quốc gia có chủ trương giảm dần hoặc chấm dứt phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Tại Mỹ, nhiệt điện than đã giảm từ 50% vào năm 2006 xuống dưới 30% năm 2016. Chính phủ Mỹ đã quyết định đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện than toàn quốc từ 2009 - 2022. Tính tới tháng 12/2015, đã có 189/236 nhà máy điện than bị hủy bỏ. Gần đây chính phủ Trung Quốc đã quyết định dừng xây dựng 30 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 17GW.
Trong khi đó ở Việt Nam,nhiệt điện than vẫn đang tiếp tục gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là từ năm 2009 trở lại đây. Theo Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris: nếu muốn đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính GHG nhằm giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng hơn 2o C thì điều kiện bắt buộc là không một nhà máy nhiệt điện than mới nào được xây dựng.
"Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy từ nay đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ trở thành một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao so với cả nước. Nguy cơ ô nhiễm từ đây cũng rất cao".- PGS. TS. Lê Anh Tuấn nhận định.
Vị trí 14 nhiệt điện than ở Đồng bằng Sông Cửu Long (Nguồn: PGS. TS Lê Anh Tuấn)
“Thảm họa đối với chúng ta và hành tinh của chúng ta”
Chính phủ Việt Nam, trong Hội nghị COP21, cũng đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính 8% đến năm 2030 và con số này có thể lên đến 25% nếu có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Phát triển nhiều nhà máy điện than là đi ngược với cam kết quốc tế của Việt Nam trước đó.
Cũng theo PGS. TS. Lê Anh Tuấn thì: Tất cả nhà máy nhiệt điện đốt than đều có những lò hơi phát sinh rất lớn các khói tro xỉ, tro bụi, các khí độc hại như SO2, NOx, CO và các hydrocacbon bay hơi. Hàm lượng tro xỉ thường chiếm từ 5-40% khối lượng đốt than.
Ngoài ra, khí thải dạng SOx, NOx từ quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện khi phát tán vào không khí sẽ bị oxy hóa trong không khí. Trong trường hợp có độ ẩm cao, sương mù và mưa rơi, sẽ tạo nên trận mưa axit xuống đồng ruộng, ao hồ gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng, các loài thủy sản, các hệ sinh thái, cũng như làm ăn mòn vật liệu kim loại và các công trình xây dựng kiến trúc, tượng đài...
Vào mùa mưa, gió mùa Tây Nam sẽ đưa các đám khói bụi từ khu vực nhà máy nhiệt điện ở Cần Thơ, Hậu Giang đến các vùng ven biển Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang... Ngược lại, khi có gió chướng, gió mùa Đông Bắc thì các khối không khí mang khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện ở Trà Vinh, Sóc Trăng đưa sâu vào đất liền.
Việc nung đốt nhiên liệu than đá sẽ phát thải một khối lượng khổng lồ khí CO2, làm gia tăng nhiệt độ không khí do hiệu ứng nhà kính toàn cầu, là nguyên nhân gây hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như các yếu tố thiên tai cực đoan khác. Một ki lô gam than đá khi bị đốt cháy hoàn toàn có thể phát sinh một thể tích khói bụi khoảng 7,5-8,5 mét khối chứa đầy các chất gây ô nhiễm không khí. Hội nghị COP21 ở Paris, các nhà khoa học đã thống nhất lên án việc sử dụng than đá làm năng lượng là thủ phạm chính trong nhiều thập niên qua làm trái đất nóng lên.
PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng cho biết, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB vào tháng 5-2016 đã cảnh báo, kế hoạch phát triển điện than ở bốn quốc gia ở châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đã chiếm hết ba phần tư số nhà máy điện than trên thế giới. Nếu kế hoạch điện than của bốn nước này được thực hiện thì sẽ phá hỏng Thỏa ước khí hậu Paris.
Vì vậy, việc "Chọn năng lượng “xanh” hay “xám” cho ĐBSCL?" cũng chính là câu trả lời của chúng ta cho cảnh báo của ông Jim Yong Kim- Chủ tịch WB, đó là: “Nếu Việt Nam tiếp tục kế hoạch 40 GW điện than, nếu toàn bộ khu vực thực hiện các kế hoạch dựa vào than đá ngay bây giờ, tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi đến hồi kết”.
Và nếu chúng ta không có giải pháp phù hợp thì hậu quả đúng như là kết luận của ông Jim Yong Kim: “Đó sẽ là một thảm họa đối với chúng ta và hành tinh của chúng ta”! -- PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết thêm.
Danh sách 14 nhiệt điện than ở Đồng bằng Sông Cửu Long theo Quy hoạch Điện VII Điều chỉnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam -EVN đến năm 2030 (Nguồn: PGS. TS Lê Anh Tuấn).
Hiện nay, công nghệ nhiệt điện than ở Việt Nam vẫn còn lạc hậu. Theo đánh giá của Giáo sư Lauri Myllivirta (Đại học Harvard, 2015), các nhà máy nhiệt điện than hiện nay ở Việt Nam đã phát thải lượng khí thải gấp 1,75 lần Trung Quốc, 3,5 lần Ấn Độ về khí SO2; tương tự, cao gấp 4,5 lần cả Trung Quốc và Ấn Độ về lượng khí NOx. Nếu không có cải tiến và giảm thiểu số dự án nhiệt điện than, từ nay đến khoảng 15 năm nữa, mỗi năm có thể sẽ có hơn 25.000 người chết do ô nhiễm khói bụi từ nhiệt điện than.