(Tin Môi Trường) - Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (Cà Mau) nhấn mạnh như vậy khi đề nghị mở rộng hình thức tố cáo của người dân tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 8-11
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha (Nam Định, ngồi giữa) thẳng thắn đề nghị cần mở rộng hình thức tố cáo quan email, fax - Ảnh: website Quốc hội
Thảo luận ở tổ về dự án luật tố cáo (sửa đổi), đa phần đại biểu Quốc hội đều đề nghị phải mở rộng hình thức tố cáo chứ không chỉ quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp như trong dự luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cho rằng hình thức tố cáo bằng fax, email là rất bình thường. Thế giới họ làm lâu rồi.
"Trong nhiều trường hợp, người ta đang trên đường ra sân bay thấy có vấn đề cần tố cáo mà phải đến trực tiếp, hoặc làm văn bản thì rất khó khăn. Do đó, cần mở rộng hình thức tố cáo như gửi email, fax… Không có ai rỗi hơi để viết email tố cáo đâu", ông Pha nhấn mạnh.
Cũng góp ý về hình thức tố cáo, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho biết trong dự luật có nội dung: Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn viết đơn.
Đại biểu Giang băn khoăn nếu người tố cáo không biết chữ thì sao? Việc người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn cho thấy quy định mang tính hinh thức.
Cũng đồng tình với đại biểu Pha, ông Giang thẳng thắn nói thời buổi công nghệ thông tin phát triển mà người dân không thể tố cáo bằng thư điện tử, bằng fax, điện thoại thì rất khó. Thêm nữa, chúng ta đang thực hiện Chính phủ điện tử mà không cho tố cáo bằng email, điện thoại, fax thì quá vô lý.
Về hình thức tố cáo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy định 2 hình thức tố cáo như dự thảo Luật trình Quốc hội là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, nhưng có bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại phục vụ cho quản lý, kiểm tra, thanh tra .
Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên chỉ giới hạn ở 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội, của công nghệ như hiện nay.
Tuy nhiên, dù tố cáo dưới hình thức nào cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo - đây là điều kiện cần để thụ lý giải quyết; cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo có căn cứ để xác minh, kết luận.
Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Vì vậy, đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tố cáo có thể thực hiện bằng đơn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.