Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
"Khai quật" và tung tin bão số 13: Nhầm lẫn hay câu view?
(10:26:10 AM 08/11/2017)
(Tin Môi Trường) - Khi cơn bão số 12 vừa quét qua miền Trung, gây tang thương, thiệt hại lớn, trên mạng xã hội bắt đầu chia sẻ thông tin xuất hiện siêu bão số 13, dự kiến đổ bộ trong 'vài ngày tới' vào miền Trung.
Hình ảnh tan hoang do bão Hải Yến năm 2013 gây ra tại Philippines trước khi đổ bộ vào Biển Đông rồi đột ngột đổi hướng đi lên phía bắc, không vào đất liền - Ảnh: AFP
Ngay khi bão số 12 vừa quét qua, trong ngày 5-11, nhiều tài khoản trên mạng xã hội bắt đầu chia sẻ thông tin 'xuất hiện cơn bão số 13 mang tên Hải Yến sắp đổ bộ vào miền Trung Việt Nam".
Thật ra "siêu bão số 13 mang tên Hải Yến" là cơn bão năm 2013, được dự báo là "mạnh nhất lịch sử Biển Đông", dự kiến đổ bộ vào Đà Nẵng lúc 7h ngày 10-11-2013.
Khi đó, bão Hải Yến được nhận định: "Đây là cơn bão được cơ quan khí tượng thủy văn nhận định là mạnh nhất trong lịch sử vào Biển Đông và nhiều khả năng thành cơn bão mạnh nhất lịch sử vào đất liền nước ta với sức tàn phá có tính chất hủy diệt".
Rất may sau đó, bão Hải Yến đã đổi hướng, không đi vào đất liền Việt Nam.
Ngay trong tối 5-11, một số tài khoản mạng xã hội nhận ra sai lầm vì 'khai quật' tin cũ gây hoang mang, đã tháo đường link chia sẻ kèm lời xin lỗi.
Tuy nhiên, cho đến ngày 8-11, thông tin về "bão Hải Yến" sắp đổ bộ vẫn tiếp tục lan rộng.
Một người Nha Trang viết trên Facebook kể về cuộc gọi điện thoại về thăm gia đình, hỏi tình hình sửa nhà sau bão.
Trong status có đoạn: "Bả (chị của chủ tài khoản Facebook) cười hắc hắc nói rằng bây giờ có thể ngắm trời qua mái nhà, rồi thở dài vì nghe nói sắp bão 13 nữa không biết làm sao đây. Bèn trấn an ngay là không phải đâu, người ta đồn bậy đó. Bả bảo vậy yên tâm chứ bão nữa chỉ chết".
Các ý kiến trên Facebook cũng lên án rất dữ dội hành động chia sẻ lại về bão số 13 năm 2013 để "câu view" nhưng đã gây hoang mang cực độ.
Một số khác lại cho rằng việc chia sẻ lại thông tin này chỉ đơn thuần là vì nhầm lẫn về mặt thời gian.
Cũng trong thời gian này, khi tỉ phú Jack Ma có buổi nói chuyện tại Việt Nam. Một số tài khoản trên mạng xã hội đã chia sẻ lại thông tin Hãng Alibaba mua lại Lazada với giá 1 tỉ USD theo hàm ý tiêu cực. Thật ra thương vụ đó đã diễn ra hồi tháng 4-2016 và không liên quan tới chuyến sang Việt Nam của tỉ phú Jack Ma.