(Tin Môi Trường) - Dự thảo Luật An ninh mạng làm dậy sóng mấy ngày nay vì có thể dẫn đến nguy cơ các nhà cung cấp ứng dụng Facebook, Google, Viber, Skype... rời bỏ Việt Nam.
Tranh cãi nằm ở Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...".
Phản biện dự thảo này, VCCI cảnh báo quy định buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam là trái với các cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia và ký, như WTO, EVFTA, TPP (đàm phán xong). Trong khi đó, lý do cơ quan soạn thảo đưa ra là "đặc thù Việt Nam", "bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin", cũng như phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng...
Đây rõ là biểu hiện của nỗi sợ quản không được thì cấm. Điều gì sẽ xảy ra nếu những ông lớn công nghệ nói trên rời bỏ Việt Nam?
Hội nhập quốc tế càng sâu rộng, chúng ta càng phải tuân thủ luật chơi chung. Đừng đem cái "đặc thù Việt Nam" ra để nói chuyện với bạn bè quốc tế nếu chúng ta bẻ gãy luật chơi. Đó không chỉ là uy tín quốc gia mà còn là quyền lợi của hơn 95 triệu dân trong nước.
Thấy cũng lạ, mỗi khi đưa ra các quy định gây phản ứng, cơ quan hữu trách thường bảo để "cho phù hợp thông lệ quốc tế", còn cái này thì làm ngược lại. "Quốc tế" thì chỉ có một, đâu có nhiều "quốc tế" mà nói khác nhau?
Thống kê của We Are Social đến đầu năm 2017 cho thấy đã có gần 40 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, trong số này 51% dùng Facebook và YouTube của Google cũng thu hút được tới 51% công dân "số" người Việt sử dụng. Và các số liệu này càng tăng. Điều đó chứng tỏ sự tiện dụng và hiện đại do các ứng dụng này mang lại. Nên nhớ, chúng ta sử dụng các ứng dụng cho Facebook, Google, Viber... phát triển hầu như là "xài chùa", không tốn tiền nhưng độ ổn định và an toàn thì hơn hẳn nhiều dịch vụ trong nước.
Gần 10 năm trước, Việt Nam tung ra mạng xã hội go.vn với tuyên bố sẽ thay thế Facebook nhưng rồi go.vn biến mất tăm mất dạng; nhiều mạng xã hội do nội địa phát triển cũng lần lượt bái biệt không kèn không trống. Trong khi người Việt bây giờ, nếu thử hỏi 10 cư dân mạng, sẽ có ít nhất 9 người có sử dụng một trong các dịch vụ của Facebook, Google, Viber, Skype...
Còn nhớ, 20 năm trước, Việt Nam hoà mạng Internet với nhiều băn khoăn, trong đó có băn khoăn về quản lý. Nhưng rồi, như chúng ta đã thấy, cùng chính sách mở cửa, Internet đã giúp chúng ta phát triển như thế nào. Nhiều chuyên gia công nghệ nhận định quốc gia nào vắng mặt trên xa lộ thông tin toàn cầu, quốc gia đó sẽ quay về thời kỳ đồ đá. Câu nói của dân mạng Việt "nếu tôi chết, hãy chôn tôi ở nơi có Internet" cũng là vì vậy!
Thế thì xin hỏi các nhà soạn thảo dự luật, tại sao chúng ta đi ngược xu thế thế giới, đi ngược xu thế phát triển? Chúng ta giúp được gì tốt hơn cho dân trong khi các dịch vụ số trong nước còn èo uột? Chúng ta đã ký cam kết quốc tế, toàn những sân chơi lớn, mà sao lại đi bẻ cong quy định, vậy làm sao ăn nói với người ta?
Luật thì phải cấp tiến, bám sát thực tiễn cuộc sống và phù hợp thông lệ quốc tế, đừng để vừa ra đã sửa như một số luật đã từng mắc phải. Khó như vậy nên cử tri, người dân mới cần và tin tưởng vào những "công bộc" tài trí của mình.
"Tôi không dùng Facebook, Viber, Zalo, YouTube vì mấy thứ này rất đau đầu và mất thời gian. Tôi thường nói vui với bạn bè là dùng mấy thứ này suốt ngày cứ phải vào xem có ai chọc ngoáy, có ai chửi mình hay không, rất nhức đầu. Mỗi người comment một tí thành ra phiền toái" - Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thanh Hải nói trong tọa đàm "Chia sẻ Nghiên cứu sáng kiến về Công nghệ thông tin cơ bản và an toàn Internet tại Việt Nam" hôm 3-11.
Thưa ông Cục trưởng, minh bạch và trong sạch thì chẳng việc gì phải sợ. Thủ tướng Hun Sen của nước bạn Campuchia còn buộc các thành viên chính phủ phải dùng mạng xã hội để trao đổi công việc đấy ông ạ!
Có phải sợ đau đầu, sợ bị chửi... là lý do? Nói thật, còn tư duy lỗi thời như vậy thì đừng nói tới, đừng hô hào cách mạng 4.0!