Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đồng Nai: Khó khả thi khi chuyển đổi công năng của mỏ đá sau khai thác

(08:33:00 AM 04/11/2017)
(Tin Môi Trường) - Trước khi doanh nghiệp tiến hành khai thác đá, tỉnh Đồng Nai đề ra chủ trương mỏ đá sau khi hết hạn khai thác sẽ thành điểm du lịch, khu đô thị. Tuy nhiên đến nay, các mỏ đá vẫn là những hố sâu hàng chục mét, nhiều nơi được rào chắn sơ sài. Tại đây, tai nạn thương tích đã xảy ra, có trường hợp trẻ em bị chết đuối. Mục tiêu chuyển đổi công năng cho những khu vực này trở nên khó khăn, xa vời.

Đồng Nai: Khó khả thi khi chuyển đổi công năng của mỏ đá sau khai thác

 Khó khả thi khi chuyển đổi công năng của mỏ đá sau khai thác ở Đồng Nai: -Ảnh: IE

 
Năm 2011, mỏ đá Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngừng khai thác. Từ đó nơi đây thành hầm đá bỏ hoang, sâu ngút ngàn. Những năm đầu, đơn vị quản lý mỏ đá là Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBCC) chậm phục hồi, hoàn nguyên môi trường, rào chắn tạm bợ quanh bờ. Do nằm cạnh khu dân cư nên gia súc, gia cầm của người dân thường rơi xuống, chết dưới hầm đá. Năm 2014, hai học sinh ở xã Hóa An đã chết đuối khi đến hầm đá chơi. Sau khi xảy ra sự việc, Công ty BBCC đã xây dựng 700 mét tường rào bằng bê tông tại khu vực giáp đường dân sinh để tránh gây nguy hiểm cho người dân, nhất là trẻ em. 
 
Theo Công ty BBCC, hiện doanh nghiệp này có 5 mỏ đá đã ngừng khai thác. Từ năm 2010, doanh nghiệp bắt đầu thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Đến nay, doanh nghiệp đã hoàn thành làm tường rào, trồng cây xanh quanh bờ, lắp biển cảnh báo nguy hiểm tại cả 5 mỏ. 
 
Ông Hồ Ngọc Liệp, Phó Giám đốc Công ty BBCC chia sẻ: Công ty BBCC đã hoàn thành đầy đủ việc phục hồi, hoàn nguyên môi trường tại các mỏ đá sau khai thác. Việc phục hồi môi trường đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xét thấy đạt thì mới cho đóng cửa mỏ. Tại những khu vực nguy hiểm, người dân đi lại nhiều, Công ty BBCC đã làm tường rào bằng bê tông cao 1,5 mét, trên đó còn chằng thêm kẻm gai, ngăn không cho bà con, đặc biệt là trẻ em vào khu vực mỏ. Ở vị trí trước đây dùng làm nơi sản xuất, Công ty đã san lại mặt bằng.
 
Cũng theo ông Liệp, hơn 10 năm trước, trong quy hoạch phát triển khu vực mỏ đá sau khai thác tại xã Hóa An, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Công ty BBCC xây dựng nơi đây thành điểm du lịch, khu đô thị. Tuy nhiên, sau khi đóng cửa mỏ, Công ty BBCC đã giao khu vực này lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Đồng Nai quản lý; quy hoạch vì thế vẫn “nằm” trên giấy. 
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 16 mỏ đá sau khai thác đã hoàn thành các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường và được cho phép đóng cửa với tổng diện tích 240 ha. Các mỏ đá sau khi đóng cửa được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai nhận định, việc hoàn nguyên, phục hồi môi trường ở đây diễn ra chậm, không được như mong muốn. Phương án phục hồi, hoàn nguyên môi trường tối ưu nhất là dựng hàng rào, trồng cây xanh và lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm xung quanh hầm đá. 
 
Chủ trương của tỉnh Đồng Nai là biến mỏ đá sau khai thác thành khu đô thị song đây là điều khó khả thi, xa vời. Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu vực khai thác đá xong đang bỏ hoang, đến nay chỉ có duy nhất một doanh nghiệp tìm hiểu để đầu tư làm dự án. Thế nhưng sau khi khảo sát, họ đã rút đi, không còn ý định thực hiện. 
 
Theo đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai, ở các mỏ đá sau khai thác, nơi có có diện tích đất rộng, bằng phẳng thì có thể cho thuê để trồng cây nhằm chống xói mòn đất, còn những khu đất khác thì chưa biết sử dụng vào mục đích gì.
 
Ông Nguyễn Ngọc Thường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai cho biết: Sở cũng chưa biết đề xuất với UBND tỉnh làm gì với các mỏ đá sau khai thác, đặc biệt là khu vực đáy mỏ. Các mỏ đá được cấp phép khai thác với độ sâu hàng chục mét, doanh nghiệp khai thác xong rút đi, để lại hồ nước lớn. Sử dụng hồ đó như thế nào là việc rất khó. 
 
Đồng Nai là tỉnh có trữ lượng đá lớn nhất khu vực miền Nam với 26 mỏ đá đang khai thác, trữ lượng hơn 390 triệu m3. Hoạt động khai thác đá ở đây đang gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân. Sau khai thác, hầm đá ở Đồng Nai tiếp tục là hậu quả cho xã hội gánh chịu, hệ lụy từ nó sẽ còn kéo dài nhiều năm sau. Đất đá đã được mang đi để lại hố sâu, sẽ không không thể tìm được lời giải cho bài toán hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản nếu cơ quan chức năng không kịp thời đề ra chính sách mới; đặt ra các quy định nhằm ràng buộc chặt chẽ hơn với doanh nghiệp.
TTXVN