(Tin Môi Trường) - Ông Hoàng Đình Yên, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng không nên nạo vét bùn thải rồi lại đổ xuống biển theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam trong việc nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải xuống biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Sáng 1-11, trao đổi với phóng viên về đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam trong việc nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải xuống biển Quy Nhơn, ông Hoàng Đình Yên, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết việc khai thông luồng lạch để cho tàu ra vào là vấn đề rất cần thiết để phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, sau khi lấy bùn thải và đổ ở đâu thì cần phải có địa điểm hợp lý. Vấn đề quan trọng là phải tìm vị trí thuận lợi để đổ, làm sao cho không ảnh hưởng đến môi trường tại vị trí vùng biển ở đó.
Luồng ra vào cửa biển Quy Nhơn đang bị bồi lấp
"Chúng tôi sẽ làm việc với địa phương để xem cách họ đổ bùn thải ra biển như thế nào rồi sẽ có ý kiến chính thức về việc này. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu khai thông luồng lạch vùng biển chỗ này mà mang đến lấp vùng biển chỗ kia thì không nên!", ông Yên nhấn mạnh.
Tương tự, nhiều người dân TP Quy Nhơn cho rằng địa điểm đổ bùn thải ngoài phao số 0 (cách cửa biển Quy Nhơn 2,5 km) theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam là quá gần, dễ ảnh hưởng đến môi trường biển và du lịch biển. "Tỉnh Bình Định nói chung và TP Quy Nhơn nói riêng đang trên đà phát triển du lịch biển đảo. Khoảng 3 năm gần đây, nhiều vùng biển ở Bình Định đã thu hút rất nhiều khách du lịch bởi những bãi cát vàng còn hoang sơ, nước biển trong xanh. Bởi vậy, nếu nhận chìm bùn thải ở khu vực gần bờ sẽ làm cho nước ở vùng biển Quy Nhơn đục, ảnh hưởng đến môi trường và ngành nghề du lịch địa phương" – ông Nguyễn Văn Thọ (ngụ phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, tại địa phương vẫn còn một số khu vực có thể đổ được bùn thải như khu đô thị Bắc Hà Thanh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) hoặc các vùng biển khác ít gây ô nhiễm môi trường. "Việc đổ bùn thải tại khu vực ngoài phao số 0 chưa phải là tối ưu nhất. Tôi nghĩ, chính quyền tỉnh Bình Định cần sáng suốt đề làm sao được khơi thông luồng lạch và làm sao để bảo vệ được môi trường biển" - một kỹ sư xây dựng ở TP Quy Nhơn góp ý.
Tàu ra vào cảng Quy Nhơn gặp khó khăn do luồng hàng hải bị bồi lấp
Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn. Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất tọa độ vị trí nhận chìm là ngoài phao số 0; chất thải gồm đất bùn, cát. Mục đích chính của việc nạo vét lớp trầm tích trong bùn để nhận chìm là khơi thông luồng chảy, bảo đảm việc ra vào cảng Quy Nhơn.
Sau khi nhận được đề xuất này, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giao Sở TN-MT Bình Định phối hợp Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ để kiểm tra, thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét cấp phép việc nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn.
Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, cho rằng dự án nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải xuống biển Quy Nhơn đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đánh giá tác động môi trường. "Sở TN-MT đang xem xét để trình UBND tỉnh Bình Định cho phép việc nhấn chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét trên. Vấn đề là làm sao vừa thực hiện được nhiệm vụ nạo vét luồng lạch để tàu ra vào cảng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, vừa để không ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, cuộc sống người dân và phát triển du lịch" - ông Thành nói
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết thực chất đây không phải là chất bùn thải mà là bùn, cát trên vùng cửa biển bồi lấp, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, khối lượng bùn, cát nạo vét khơi thông cửa biển phải đưa ra xa để tránh ảnh hưởng vùng biển của Bình Định.