(Tin Môi Trường) - Bán khăn lụa “'Made in China”, không rõ ràng về sản phẩm, Khaisilk đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu Việt đã từng gây dựng từ lâu.
Lên tạp chí Forbes và bán hàng Tàu
Những ai yêu thương hiệu Việt đều có một suy nghĩ những chiếc khăn Khaisilk “Made in Vietnam” từ trước tới nay. Định vị phân khúc khách hàng cao cấp, lại là người đi tiên phong trên trị trường nên thương hiệu lụa Khaisilk nhanh chóng gặt hái thành công và được nhiều doanh nghiệp mua làm quà tặng đối tác như một sản phẩm Việt.
Chính vì thế, cộng đồng mạng và rất nhiều khách hàng của thương hiệu Khaisilk vừa băn khoăn lẫn bất bình khi một sản phẩm của công ty này bán ra bị phát hiện có tới 2 nhãn mác là “Made in Việt Nam” và “Made in China”.
Thậm chí, ngay cả sau lời xin lỗi của Khaisilk, người tiêu dùng vẫn không thể chấp nhận. Trao đổi với phóng viên Vietnamnet, ông Đặng Như Quỳnh, khách hàng đã chia sẻ: “Những gì có thể đo đếm bằng tiền thì quá nhỏ so với những thiệt hại mà chúng tôi chịu. Chúng tôi cảm thấy buồn, danh dự bị tổn hại khi tôn vinh sản phẩm Việt”.
“Uy tín của chúng tôi khi tặng cho khách hàng những sản phẩm này không thể thống kê. Đây là lời cảnh báo đối với tất cả mọi người khi mua bán những hàng hóa rất khó chứng minh nguồn gốc xuất xứ như này”, ông cho biết thêm. Ông Quỳnh kiến nghị, cơ quan chức vào cuộc để người tiêu dùng không bị rơi vào những tình huống dở khóc, dở cười.
Chị Bạch Thị Huệ cho biết: “Vụ doanh nhân Khải Silk thừa nhận mua khăn Trung Quốc về cắt mác đi dán "Made in Vietnam" là cái tát nặng nề vào cái gọi là thương hiệu Việt. Biết bao du khách, người Việt tin tưởng mua khăn lụa Khải Silk làm quà cáp tặng người thân, bạn bè, cấp trên vì sự trân quý đó, cũng là sự ủng hộ thương hiệu Việt”.
Theo ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), lụa tơ tằm Khaisilk là thương hiệu quốc gia lớn, có dấu hiệu vi phạm là rất đáng báo động, cần làm rõ. Vị này cho rằng cái mất mát lớn nhất là thương hiệu của doanh nghiệp, bởi Khaisilk cũng như gốm Bát Tràng thường được lựa chọn trong các dịp lễ Tết.
Ông Phạm Khắc Hà (Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc) cho rằng, việc bỏ mác nước ngoài đi đưa mác Việt Nam là việc làm này là phi đạo đức vì đây chính là hành vi lừa dối khách hàng, không trung thực. Ngay tại địa phương, chúng tôi, luôn nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh phải minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Nếu lụa là hàng ngoại nhập thì phải ghi rõ là hàng nhập, hàng Việt Nam ghi rõ là Việt Nam và lụa của Vạn Phúc phải có in tên tuổi đàng hoàng.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh, việc ông Hoàng Khải thừa nhận nhập hàng Trung Quốc để bán với thương hiệu và xuất xứ từ Việt Nam có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nhất định. “Tôi tin họ khai xuất xứ từ những làng nghề của Việt Nam”, ông Truyền nhấn mạnh. Nếu trong thời gian vừa qua, khách hàng mua phải sản phẩm của Trung Quốc là họ đã bị lừa dối.
Chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nhận định: “Ông Khải là người hay rao giảng, lại là một doanh nhân rất thành công. Cho nên, sau chuyện này, ảnh hưởng lớn nhất là danh dự của ông, chứ không phải doanh số”.
Đạo đức kinh doanh
Giàu lên từ lụa cũng từ lụa mà khiến ông Khải phải đối đầu với thách thức. Ông chủ thương hiệu này nhìn nhận ngay bây giờ và sắp tới đây, thương hiệu Khaisilk sẽ bị khủng hoảng, và có thể phải khó khăn trong một thời gian.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nguyên nhân của hiện tượng này là mục tiêu lợi nhuận đã khiến không ít doanh nghiệp phá vỡ những giá trị đạo đức xã hội và kinh doanh để hưởng lợi, họ sẵn sàng “ăn gian, nói dối” miễn là làm sao đạt được điều mong muốn.
Điều mà đáng báo động hơn, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, là người Việt đã quá quen với hiện tượng "ăn gian, nói dối", và vì thế một Khaisilk hay có thêm vài Khaisilk thì nhiều doanh nghiệp hay nhiều người cũng thấy như bình thường.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hãng Luật Basico, quyền lực người tiêu dùng hiện nay là họ có quyền tẩy chay, còn nếu để pháp lý vào cuộc thì có thể mất thời gian thêm nữa. Doanh nghiệp sợ nhất là người tiêu dùng tẩy chay hàng hoá, sợ không bán được hàng, chứ không sợ bị luật pháp xử phạt hành chính. Xử phạt vài trăm triệu đồng đối với họ chẳng thấm tháp gì.
Trong một bài báo, ông Khải từng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ là hãy trau dồi nhân cách, hướng đến hoàn thiện phong cách sống và cuộc đời sẽ cho bạn những thứ khác giàu hơn nữa, dẫn bạn đến với thành công. Bởi làm giàu không thể thiếu nhân cách.
Thực tế đã chỉ ra rằng, trung thực là một yếu tố luôn đứng hàng đầu trong các triết lý kinh doanh. Bởi vì trung thực góp phần lớn và có tính quyết định để tạo ra niềm tin. Ðể có được uy tín với nhân viên và khách hàng, doanh nghiệp phải trải qua một quá trình xây dựng và phấn đấu.
Uy tín đại diện cho sức mạnh cạnh tranh, hầu như không thể bắt chước, rất dễ đánh mất và rất khó khăn khi gây dựng lại. Nhân Quả luôn đồng hành trong cuộc sống và kinh doanh. Vì lợi ích của khách hàng và xã hội, doanh nhân đưa ra sản phẩm tốt thì sẽ sản phẩm đó dễ dàng được tiêu thụ. Sản phẩm tiêu thụ được nhiều thì lợi nhuận sẽ cao. Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải trả một cái giá cực đắt vì những hành vi lừa dối người tiêu dùng.
Trong cuộc cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc thu hút khách hàng luôn đóng vai trò quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, để người Việt không quay lưng với hàng Việt vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm là vấn đề then chốt và phải được đặt lên hàng đầu.
Nhận thức của người tiêu dùng, của xã hội đang ngày càng tăng lên, pháp luật sẽ “mạnh tay” hơn để không còn cơ hội cho sản xuất kinh doanh “chụp giật” tồn tại.