Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bác sĩ Huỳnh Lộc Sơn, khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ông đã ứng dụng phương pháp nội soi để phẫu thuật cho những bé bị lồng ruột tái phát nhiều lần.
Với nội soi, việc quan sát và thám sát toàn ổ bụng trở nên dễ dàng hơn, do đó khả năng tìm ra nguyên nhân gây lồng ruột cũng cao hơn.
Trong hai tháng qua, khoa ngoại tổng hợp đã mổ thành công ba ca lồng ruột tái phát nhiều lần. Các bé đều trên 24 tháng, có tiền căn lồng ruột nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn (vài ngày) khiến gia đình rất lo lắng.
Qua nội soi, bác sĩ Sơn thám sát thấy nguyên nhân gây lồng khởi phát từ một dây dính ở phần đại tràng lên gần góc gan làm dính phần đại tràng này vào thành bụng bên. Sau phẫu thuật, các bé đều xuất viện ổn định, theo dõi bốn tuần không thấy lồng ruột tái phát.
Theo bác sĩ Sơn, đây chỉ là thành công bước đầu, cần có thêm nhiều ca phẫu thuật nữa mới có thể khẳng định được ưu thế của phương pháp này.
Lồng ruột nếu được phát hiện sớm qua các triệu chứng khóc thét cơn đột ngột, bỏ bú, nôn vọt, tiêu nhầy máu thì phương pháp điều trị tương đối đơn giản là bơm hơi qua ngả hậu môn của bé để tháo lồng.
Phần lớn các trường hợp lồng ruột đều tự tháo được dưới áp lực của hơi. Những trường hợp lồng ruột tới trễ hoặc lồng quá chặt thì phải mổ để tháo lồng bằng tay.
Tuy nhiên có một số trường hợp bé bị lồng ruột tái phát nhiều lần (thông thường trên bốn lần) trong những khoảng thời gian ngắn, vài ngày, vài tuần sau tháo các bác sĩ chỉ định mổ thám sát để tìm xem có một tổn thương thực thể nào trong hệ tiêu hóa của bé hay không khiến lồng dễ khởi phát.
Phương pháp này có một nhược điểm là khó quan sát hết ổ bụng và khó thám sát lên cao nên đôi khi không tìm được nguyên nhân. Xuất phát từ ý nghĩ khắc phục nhược điểm này, bác sĩ Sơn đã ứng dụng phương pháp nội soi để phẫu thuật.
Lồng ruột là một trạng thái bệnh lý được tạo nên do một đoạn ruột chui vào lòng của đoạn ruột kế cận, gây nên một hội chứng tắc ruột cơ học làm cản trở lưu thông của đường tiêu hóa và cản trở tuần hoàn mạch máu ruột tạo thành một chuỗi biến chứng nguy kịch (hoại tử ruột và thủng, sốc nhiễm trùng) nếu không kịp thời chẩn đoán và xử trí.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng tuổi (80-90% trường hợp), đỉnh cao là từ 3-9 tháng nhưng vẫn có thể xảy ra ở các trẻ lớn.
Người ta ghi nhận có sự trùng hợp giữa mùa bệnh viêm ruột, viêm phổi, viêm phế quản với sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh này.
Theo BS Trương Anh Mậu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM
(Theo Tuổi Trẻ)