(Tin Môi Trường) - Ngày 24/10, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội thảo tăng cường vai trò, trách nhiệm và năng lực hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp vào công tác bảo vệ môi trường.
Dự hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia và các đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp 5 tỉnh khu vực miền Bắc (Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Vĩnh Phúc).
Hội thảo đã chỉ rõ, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong thời gian qua đã thực hiện nhiều hoạt động từ tuyên truyền, trực tiếp tham gia cùng nhân dân triển khai công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương trong cả nước. Bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan, nhiều mô hình về bảo vệ môi trường có tác động mạnh đến ý thức người dân được triển khai và mang lại kết quả tích cực. Điển hình như: phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường”, "Hầm khí bi-ô-ga và bể chứa rác", "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông thôn", "Xử lý chất thải làng nghề", "Nhà tiêu hợp vệ sinh và hố rác tự phân hủy"… Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khu vực miền Bắc đã phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường, luôn được các cá nhân, tập thể, cộng đồng dân cư ủng hộ và đánh giá cao.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ rõ, tại một số địa phương có hiện tượng cơ quan quản lý môi trường chỉ thực hiện những việc gì thuận lợi, bỏ qua việc khó khăn hoặc đùn đẩy cho các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư. Một số phong trào, cuộc vận động chỉ làm rầm rộ trong thời gian đầu, thời gian sau có chiều hướng nhạt dần.
Tham luận, đóng góp ý kiến, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các cơ quan, tổ chức của các tỉnh thành khu vực miền Bắc cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết của người dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật và các biện pháp bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ chức quần chúng. Bên cạnh đó, kết hợp tuyên truyền, giáo dục với chương trình hành động cụ thể, từ đó nâng cao tính tự nguyện của nhân dân. Đồng thời, phát huy những giá trị tri thức bản địa của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn về kỹ thuật, hệ thống luật pháp, quy định rõ trách nhiệm hơn nữa giữa chính quyền địa phương với các cộng đồng dân cư, nhất là sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức hội quần chúng. Cùng với đó, có sự kết hợp, phân công trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường để cùng thực hiện mục tiêu chung, tránh sự chồng chéo; tiếp tục bổ sung các cơ chế, chính sách như sử dụng lao động, cơ chế tài chính, cơ chế giao thầu cho tổ chức, tư nhân tham gia thực hiện cung ứng các dịch vụ bảo vệ môi trường.
Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá cao những kiến nghị cần thiết của các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khu vực miền Bắc trong công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh quốc gia đang trong quá trình vươn mình phát triển như hiện nay, việc tăng cường vai trò, trách nhiệm và năng lực hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp vào công tác bảo vệ môi trường là việc làm quan trọng, cần thiết.