Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Vua tôm" dọa đóng cửa nhà máy vì cho rằng quy định nước thải vô lý

(14:34:20 PM 23/10/2017)
(Tin Môi Trường) - Đại gia ngành thủy sản đã đầu tư 110 tỉ đồng vào xử lý nước thải nhưng kết quả vẫn bị phạt 750 triệu đồng do không đạt chỉ tiêu phốt pho (P)

Phát biểu tại hội thảo "Quy chuẩn Việt Nam nước thải chế biến thủy sản – nỗ lực tuân thủ của các nhà máy và các khó khăn bất cập" do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại TP HCM sáng 23-10, ông  Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (thường được gọi là vua tôm), cho biết công ty ông đã đầu tư xử lý nước thải bài bản, được các chuyên gia đánh giá cao. Nhà máy xử lý nước thải đã thực hiện đánh giá môi trường và được phê duyệt đầy đủ. Nhưng sau này, các đoàn kiểm tra đến lấy mẫu chỉ tiêu xử lý phốt pho vẫn không đạt, nên công ty bị phạt. Chỉ tiêu này không có trong kế hoạch kiểm soát ban đầu nên công ty trở tay không kịp. 
 
Ông Quang cho rằng đã thuê rất nhiều chuyên gia cả trong và ngoài nước để giải quyết vấn đề nhưng hiện chưa có giải pháp thích hợp. Nếu bắt buộc phải xử lý phốt pho theo quy định thì giá thành mỗi kg thủy sản đội lên thêm 3.000 đồng. Chi phí như vậy quá cao, nếu thực hiện ông chỉ còn cách đóng cửa nhà máy. 
 
Theo "vua tôm" Minh Phú, mỗi năm công ty ông sản xuất khoảng 5.000 tấn thủy sản thì chi phí tăng lên rất lớn (khoảng 15 tỉ đồng/năm). Hiện nay, cạnh tranh là trên toàn cầu, giá thủy sản Việt Nam sẽ cao hơn các nước đối thủ như Thái Lan, Philippines (không yêu cầu xử lý chỉ tiêu phốt pho) thì nhà nhập khẩu sẽ không mua hàng từ Việt Nam.
 
"Vua tôm" dọa đóng cửa nhà máy vì cho rằng quy định nước thải vô lý
Ông Lê Văn Quang phát biểu tại hội thảo
 
Trước đó, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã bị phạt tiền 750 triệu đồng vì xả nước thải có chứa các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật 7 lần. Trao đổi riêng với phóng viên, ông Quang xác nhận vi phạm là do chỉ tiêu phốt pho. Ngoài ra, chỉ tiêu Nitơ cũng không đạt nhưng vượt ngưỡng ít. Công ty đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải vào năm 2015, mỗi hệ thống 55 tỉ đồng, trong khi chỉ tiêu phốt pho mới quy định vào năm 2017. Lý do có phốt pho trong nước thải là vì quá trình sơ chế, rửa thủy sản có dùng phụ gia thực phẩm chứa phốt phát theo yêu cầu thị trường nhập khẩu.
 
Ngoài ra, ông Quang cũng phản ánh tình trạng có quá nhiều cơ quan nhà nước vào kiểm tra môi trường của công ty. "Từ cảnh sát môi trường, công an địa phương, tài nguyên môi trường, thậm chí kiểm toán nhà nước, phòng chống tham nhũng... cũng vào kiểm tra thì doanh nghiệp làm sao mà kinh doanh được" - ông Quang bức xúc.
 
Doanh nghiệp bị phạt không chỉ tốn tiền mà mang tiếng xấu trên thương trường. TS Nguyễn Quốc Việt, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển – Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng các doanh nghiệp nhập khẩu thường chỉ quan tâm đến sự hợp pháp của quyết định xử phạt mà không quan tâm đến tính hợp lý. Vì thế, khi một doanh nghiệp xuất khẩu bị phạt về môi trường sẽ bị nước nhập khẩu kiểm soát chặt hơn, đưa vào diện rủi ro cao, làm giảm tính cạnh tranh.
 
Ngọc Ánh (báo NLĐ)