(Tin Môi Trường) - Chiều 19-10, cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên với người dân xã Quang Hưng đã bị bỏ ngang khi người chủ trì là ông Trần Minh Hải, chủ tịch UBND huyện, rời phòng khi “phát hiện” có báo chí tham dự.
Người dân xã Quang Hưng, H. Phù Cừ bức xúc ra về sau khi chủ tịch huyện bỏ cuộc đối thoại - Ảnh: TIẾN THẮNG
Huyện thực thi theo "luật địa phương"
Chiều 19-10, hơn 50 người dân thuộc xã Quang Hưng phải tạm gác công việc để lên trụ sở UBND huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên dự cuộc đối thoại công khai nhằm giải quyết việc đề nghị tạm dừng việc phá dỡ nhà trên đất đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Mở đầu cuộc đối thoại, chánh văn phòng UBND huyện Phù Cừ đọc lại một loạt các nội quy, quy định làm việc của huyện, trong đó nhấn mạnh nội dung nghiêm cấm người dân tham dự cuộc đối thoại được ghi chép, ghi âm, ghi hình khi chưa có sự đồng ý của người chủ trì buổi đối thoại.
Ngay sau đó, ông Trần Minh Hải, chủ tịch UBND huyện Phù Cừ, cho biết đã "phát hiện" có một số phóng viên báo chí cũng có mặt tại cuộc đối thoại này nên đề nghị trước khi làm việc thì các phóng viên ra ngoài, huyện tổ chức một buổi làm việc riêng khác.
Tuy nhiên, khi đại diện các báo đề nghị chủ tịch UBND huyện Phù Cừ nêu rõ căn cứ theo quy định nào để ngăn việc báo chí tác nghiệp tại một buổi đối thoại công khai với người dân; và việc không cho người dân được ghi chép, ghi âm, ghi hình buổi đối thoại khi chưa có sự đồng ý của người chủ trì là thực hiện theo điều luật nào thì ông Hải lại không nêu cụ thể.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, phó chủ tịch UBND huyện Phù Cừ, đỡ lời, nói rằng UBND huyện đang thực thi theo "luật của chính quyền địa phương", phóng viên muốn làm việc phải có lịch hẹn cũng như đặt các câu hỏi trước.
Ông Chuyên cũng cho rằng người trả lời phỏng vấn có quyền từ chối trả lời hoặc từ chối làm việc với cơ quan báo chí.
Phóng viên đài truyền hình VTC đặt vấn đề đây là việc báo chí tham dự cuộc đối thoại công khai giữa chính quyền với người dân và chỉ nhằm ghi nhận khách quan diễn tiến của buổi làm việc, không đặt bất cứ câu hỏi nào với các lãnh đạo nên hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến buổi đối thoại.
Sau gần 40 phút tranh luận, ông Hải đột ngột rời khỏi phòng không một lời giải thích thêm, mặc cho hàng chục người dân liên tục gọi lại, đề nghị chủ tịch UBND huyện tập trung vào nội dung chính là đối thoại với người dân nhằm tháo gỡ các vướng mắc.
Dân lo lắng khi trót đầu tư
Được biết, đây là lần tổ chức đối thoại thứ 2 sau khi tại xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đang xuất hiện tình trạng "ngược đời" khi hàng chục hộ gia đình phải dọn xuống các chuồng heo, chuồng gà chật hẹp, ẩm thấp sinh hoạt, trong khi gà, heo lại được chuyển lên ở trong nhà cao cửa rộng.
Lý giải sự "ngược đời" này, ông Quách Văn Tân (trú tại xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ) cho biết nguyên nhân là do nếu người dân vẫn ở nhà cũ thì sẽ bị huyện xem là nhà ở và phải đập bỏ.
"Nếu cứ ở lại nhà cũ rộng rãi thì chúng tôi sẽ bị buộc phá dỡ, chính vì thế chúng tôi phải chuyển đổi chỗ ở của người sang cho vật nuôi, còn chỗ của vật nuôi thì làm nơi để gia đình cư trú, trông nom tài sản đã đầu tư. Có như thế thì nhà mới không bị phá." - ông Tân ngậm ngùi.
Ông Quách Văn Tân ngậm ngùi nhìn vào gian phòng cao ráo thoáng mát mà mình đã ở trước kia hiện nay đang phải để cho đàn gà "sinh hoạt" - Ảnh: TIẾN THẮNG
Đàn heo được chuyển lên nhà để ở - Ảnh: NGUYỄN LONG
Khu chuồng nuôi heo trước kia của gia đình ông Tân giờ được sửa lại để thành nơi ở của người - Ảnh: TIẾN THẮNG
Theo ông Tân, từ năm 1997 gia đình ông thực hiện theo chủ trương của tỉnh Hưng Yên về xây dựng mô hình kinh tế mới tại những vùng đất trũng, trồng trọt cấy lúa không hiệu quả. Để thực hiện chủ trương này, gia đình ông quyết định tạm rời khỏi nhà căn nhà trong làng, bỏ công sức và đầu tư hàng tỉ đồng vào khu đất chuyển đổi rộng 7.000m2 được giao.
Để thuận lợi trong sản xuất cũng như trông coi tài sản thì cả gia đình phải kéo ra đây ở do một người không thể lo hết, từ đó xuất phát nhu cầu xây dựng nơi ở rộng rãi hơn để mọi người có nơi trú.
"Nhu cầu của chúng tôi cần phải có nơi ở rộng hơn một chút nhưng huyện lại chỉ cho phép xây nhà rộng không quá 10m2." – ông Tân nêu vướng mắc.
Cũng theo ông Tân, sau nhiều lần gió bão gây hư hỏng những căn nhà xây dựng sập xệ, tạm bợ thì từ cách đây vài năm gia đình ông cũng như hơn 60 hộ dân khác ra làm mô hình kinh tế mới đã quyết định xây dựng những căn nhà cấp 4 cao ráo, rộng rãi hơn để thuận tiện cho việc ăn ở, trông giữ tài sản đỡ vất vả.
Thời gian đầu khi mới triển khai xây thì một số hộ dân có bị địa phương xử phạt hành chính nhưng công trình vẫn được phép tồn tại, do vậy những hộ dân khác làm theo.
Cùng chung nỗi bức xúc, ông Phạm Đình Biển (trú tại xã Quang Hưng, H. Phù Cừ), cho rằng việc chính quyền kêu gọi người dân xã Quang Hưng xây dựng làm kinh tế mới suy cho cùng cũng là vì mong muốn cuộc sống của họ được tiện lợi, ổn định và khang trang hơn.
Đáng ra, để những người dân đã từng tiên phong mạo hiểm đầu tư vào vùng đất kém hiệu quả được yên tâm để ổn định sản xuất, phát triển kinh tế thì chính quyền cần phải xem xét, hướng dẫn để thấy điều gì chưa thiết thực, chưa có lợi cho dân thì mình điều chỉnh, có cơ chế thay vì cứng nhắc theo quy định này, quy định kia.
"Tất cả các hộ dân chúng tôi khi xây dựng ở khu đất chuyển đổi mô hình kinh tế này không có ai xây nhà cao tầng, đồ sộ gì ngoài căn nhà cấp 4 với mục đích duy nhất là có một không gian sống rộng hơn để có chỗ chui ra chui vào cho 4-5 thành viên trong nhà." – ông Biển phân trần.
Sau cuộc đối thoại ngày 19-10 bất thành, người dân khu vực vẫn chưa biết ngày nào mới được đối thoại lại để tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc và trong khoảng thời gian đó thì họ vẫn phải trú tạm trong những gian chuồng lợn, chuồng gà ẩm thấp.