Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thủ tướng: những công trình thủy điện nhỏ nhưng phá rừng rất lớn Tin ảnh

(13:09:30 PM 14/10/2017)
(Tin Môi Trường) - Sáng 14-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về "tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới".

Thủ tướng: những công trình thủy điện nhỏ nhưng phá rừng rất lớn

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: VIỆT DŨNG

 
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị này nhằm thảo luận về bảo vệ rừng tự nhiên, vì vậy cần nói rõ các khó khăn trong tổ chức thực hiện.
 
Theo Thủ tướng, trong quản lý bảo vệ rừng, nhìn chung đã làm được nhiều việc trong nhận thức và hành động. Đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm và độ che phủ rừng những năm gần đây cao hơn năm trước.
 
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ thực trạng quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là một số giải pháp bảo vệ rừng chưa có tính khả thi cao, vi phạm về bảo vệ rừng vẫn thường xuyên xảy ra. 
 
"Nước ta chỉ có 3 tỉnh không có rừng, còn 60 tỉnh thành có rừng. Vì vậy cần đánh giá đúng thực trạng công tác bảo vệ rừng, nhất là những hạn chế yếu kém. Không thể thấy một số vụ phá rừng ở địa phương này, địa phương khác mà nói phần lớn công tác bảo vệ rừng làm chưa tốt. Tuy nhiên, từ một số vụ việc, cần rút kinh nghiệm sâu sắc, đưa ra giải pháp khả thi để bảo vệ rừng"-Thủ tướng nhấn mạnh. 
 
Cũng theo Thủ tướng, với tinh thần cùng bàn để công tác bảo vệ rừng tốt hơn, các ý kiến cần nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận của Thủ tướng tại hội nghị bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên, đặc biệt là chỉ thị 13 của Ban bí thư.
 
"Cái chính là xem thực tiễn ra sao mà có một số địa phương chưa làm tốt. Nhất là có một số ý kiến đề nghị chấm dứt chuyển đổi rừng ven biển, rừng đầu nguồn sang mục đích khác. Chấm dứt chuyển đổi rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất".
 
Hiện nay các địa phương gặp khó khăn vướng mắc gì. Vừa qua có một số địa phương bị lên án về việc này. Trong phát triển du lịch, có phá rừng ven biển, vậy chủ trương, giải pháp làm sao để rõ những vấn đề này. Rồi việc dừng chuyển mục đích rừng tự nhiên sang các mục đích khác tác động thế nào đến phát triển kinh tế xã hội ở địa phương" - Thủ tướng lưu ý.
 
Thủ tướng cũng khẳng định, từ những tồn tại, hạn chế, cần phải được chỉ rõ, phân tích nguyên nhân.
 
"Nhất là những công trình thủy điện nhỏ nhưng lại phá rừng rất lớn, trong khi việc trồng rừng trở lại chưa được bao nhiêu. Phải dứt khoát chuyện này để phát triển thủy điện nhỏ có mức độ" - Thủ tướng nhấn mạnh. 
 
Thủ tướng cũng chỉ rõ nhiều địa phương vẫn để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái phép mà cấp ủy chính quyền chưa đề cao trách nhiệm.
 
"Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết những chuyện đó. Vì vậy, tại hội nghị này, vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong quản lý bảo vệ rừng phải được đặt ra, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. Tuy nhiên, chế tài thế nào, mạnh mẽ ra sao, kịp thời ra sao cần đặt ra" - Thủ tướng nêu. 
 
Thủ tướng cũng gợi ý các ý kiến cần bàn giải pháp làm sao nâng cao đời sống người dân tham gia bảo vệ rừng. Cần cho ý kiến về nhhững giải pháp tốt hơn cho người dân đủ sống, tránh cuộc sống bấp bênh.
 
"Tinh thần là địa phương có rừng phải sống được bằng nghề rừng"-Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Đặc biệt là tình trạng di dân tự do cần được đặt ra để bàn, để hạn chế tình trạng phá rừng, đặc biệt là ở Tây Nguyên.
 
"Về lâu dài tính bài toán kinh tế nào để người dân thoát nghèo, phát triển bền vững chứ không phải cứ cấm đơn thuần" - Thủ tướng nêu.
 
Theo XUÂN LONG (TTO)