(Tin Môi Trường) - Khủng khiếp, bất ngờ, tàn khốc, tang thương... Đó là những tính từ được lặp đi lặp lại khi những trận lũ đổ về.
Liên tiếp những trận lũ được giới chuyên môn gọi là "lũ lịch sử", mức độ tàn khốc, trận lũ lịch sử sau ghê gớm hơn trận lũ lịch sử trước. Rồi sẽ đến lúc, khái niệm "lũ lịch sử" không còn phù hợp để các chuyên gia làm mốc so sánh về mức độ nguy hiểm của lũ, vì càng ngày lũ không còn tuân theo những quy luật thông thường, và mức độ mỗi ngày một lớn hơn bội phần.
Xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị nhấn chìm trong nước lũ. Ảnh: Nhị Tiến
Dù được rút kinh nghiệm, dù được dự báo, cảnh báo sớm và dù được tăng cường nhiều biện pháp chống lũ, tránh lũ, nhưng xem ra, con người không thể chống được thiên tai, bão lũ.
Liên tiếp trong vài tháng gần đây, trận lũ này vừa dứt, hậu quả khắc phục chưa xong, trận lũ sau lại đến, hậu quả, lại vẫn thảm cảnh tang thương. Đợt mưa mấy ngày qua gây ra trận lũ hơn cả kinh hoàng, tàn phá cả một vùng rộng lớn, Hoà Bình, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, Sơn La... Hàng chục người bị lũ cuốn. Hàng nghìn gia đình không còn nhà cửa, tài sản. Quốc lộ 1 Thanh Hoá - Ninh Bình ngập chìm trong nước. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, chia cắt giao thông. Đường sắt Bắc- Nam gián đoạn cục bộ...
Có mối liên hệ nào, giữa những trận lũ kinh hoàng diễn ra liên tiếp từ vài ba thập kỷ lại đây với những cánh rừng tự nhiên ngày một thu hẹp?
Có mối liên hệ nào, giữa tần suất lũ ngày một dày thêm, mức độ ngày càng bất ngờ, tàn khốc, với sở thích đến thành hội chứng sính gỗ rừng tự nhiên của con người?
Đừng vội vã quy kết nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên bão lũ, nắng hạn là do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đừng vội trách cứ người vùng núi, đồng bào vùng lũ không chủ động phòng chống thiên tai.
Cũng đừng quá khắt khe phê phán chính quyền khi sau mỗi trận lũ là mỗi thảm cảnh, tang thương.
Không cần đến các nhà khoa học, bất kỳ ai chịu khó quan sát, cũng có thể tự rút ra kết luận, tương tự "tri thức bản địa", rằng, rừng tự nhiên, với thảm thực vật dày, nhiều tầng nhiều lớp, có năng lực hút nước, giữ nước và ngăn lũ, cắt lũ, giảm tác hại của lũ cực kỳ hiệu quả.
Từ Nam Bộ, Tây Nguyên đến Tây Bắc, Việt Bắc, mấy chục năm trước trùng trùng điệp điệp rừng nguyên sinh, giờ, còn được mấy phần diện tích?
Người xưa đúc kết: Họa phúc hữu môi phi nhất nhật (Nguyễn Trãi). Phúc, họa có nguồn, phải đâu một buổi. Qua từng giai đoạn, qua mỗi nhiệm kỳ, bằng lý do này lý do khác, bằng cơ chế này cơ chế kia, rừng tự nhiên mất dần, lòng sông, khe suối hẹp lại, núi trống đồi trọc tăng thêm...và hậu họa đã, đang nhãn tiền.
Thêm một lần, nhìn lâu hơn thảm cảnh người vùng lũ ngoi ngóp trong cuồng lũ. Thêm một lần ngẫm về thân phận người miền núi, đời này qua đời khác, ngày ngày chứng kiến gỗ rừng, sản vật rừng về xuôi mà đói nghèo còn ở mãi, và sau mỗi trận lũ lại ngẩn ngẩn ngơ ngơ, trắng tay, tay trắng.
Nhìn và ngẫm nghĩ để chấm dứt hành động tàn phá rừng tự nhiên, dù dưới động cơ, mục đích nào. Để kiềm chế thói quen không mấy văn minh là sính dùng đồ gỗ rừng tự nhiên. Để trả lại cho rừng những gì con người đã lấy.
Từ lâu rồi, thế giới văn minh đã hạn chế và cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên. Người ta khuyến khích trồng rừng và sử dụng gỗ công nghiệp. Rừng tự nhiên, với họ là một phần cuộc sống, chỉ dấu của quá khứ, biểu tượng của thiên nhiên thân thiện. Ngay người miền núi nước ta, những cộng đồng người Dao, Ê Đê, Thái và nhiều cộng đồng tộc người khác yêu rừng, quý rừng, sống chết với rừng. Họ đặt ra luật tục để cùng nhau bảo vệ rừng. Họ thần linh hóa, biến những cánh rừng tự nhiên bao đời thành rừng thiêng, rừng thần. Nhưng rồi cuộc sống đã khác, khi rừng, đất rừng do lâm trường, công ty quốc doanh quản lý. Rừng thần hết thiêng, rừng mất dần.
Chính phủ quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, thì một cây gỗ rừng tự nhiên ra khỏi rừng đều không hợp pháp. Chính phủ đóng cửa rừng tự nhiên thì mọi dự án tác động, ảnh hưởng xấu đến rừng tự nhiên, đều không còn căn cứ để xem xét. Cũng không còn lý do để những chợ gỗ, làng gỗ ngồn ngộn gỗ rừng tự nhiên tồn tại. Đừng khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp sang châu lục này hay quốc gia khác mua bán, khai thác gỗ rừng tự nhiên. Thế giới là một cơ thể thống nhất, là "cái bình thông nhau", quốc gia này gặp họa, quốc gia khác không thể vô can.
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt.
Nước mắt kẻ "ăn rừng", sớm muộn, có thể "rưng rưng" hay chẳng kịp "rưng rưng". Nhưng, người dân miền núi, người dân vùng lũ vẫn chưa thôi vừa cạn dòng nước mắt, nước mắt lại lã chã tuôn rơi.