(Tin Môi Trường) - Đến 13 giờ ngày 11-10, đã có 20 người chết, 12 người mất tích do mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chiều 11-10 đã chủ trì cuộc họp khẩn nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chiều 11-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai về ứng phó với mưa lũ.
Cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai về ứng phó với mưa lũ
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, trong 3 ngày qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300 mm; một số nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ 400 đến 600 mm. Mưa lũ đã gây ngập úng, cô lập một số khu dân cư tại các vùng thấp trũng, ven sông suối Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái...
Đặc biệt, ngày hôm qua và sáng nay 11-10, tại các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa tiếp tục có mưa rất to, lũ lớn về hồ Hòa Bình với lưu lượng đỉnh lũ 14.720 m3/s. Đây là đợt lũ lớn bất thường trong tháng 10 (sau mùa lũ ở Bắc Bộ) và theo thống kê thì đây là trận lũ lớn nhất trong lịch sử về hồ Hòa Bình trong tháng 10.
Thủy điện Hòa Bình đã phải mở liên tiếp 7 cửa xả đáy, lũ hạ lưu hệ thống sông Hồng đang lên nhanh.
Theo dự báo, mưa lũ còn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc. Lũ trên sông Mã tại trạm Giàng có thể lên mức tương đương lũ lịch sử năm 1980. Mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng sẽ lên nhanh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, báo cáo nhanh của các địa phương tính đến 13 giờ ngày 11-10, đã có 20 người chết (Thanh Hóa: 3 người; Nghệ An: 8 người, Sơn La: 5 người, Hòa Bình 4 người). Có 12 người mất tích (Yên Bái: 4 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa 3 người; Sơn La: 3 người, Quảng Trị: 1 người).
Ngoài ra, có 5 người bị thương (Hòa Bình: 1 người; Thanh Hóa: 3 người, Sơn La: 1 người).
Đã có 81 nhà bị sập: 81 nhà (Hòa Bình: 4 nhà; Sơn La: 64 nhà, Yên Bái: 8 nhà; Thanh Hóa: 3 nhà; Hà Tĩnh: 2 nhà).
3.127 nhà bị ngập (Yên Bái: 212 nhà, Hòa Bình: 5 nhà; Phú Thọ: 223 nhà, Thanh Hóa: 432 nhà; Nghệ An: 735 nhà; Hà Tĩnh: 1.519 nhà).
135 nhà phải di dời khẩn cấp (Yên Bái 13 nhà, Phú Thọ 91 nhà, Hòa Bình 22 nhà, Sơn La 9 nhà).
Tuyến đê tả Chu (đê cấp 2) tại tỉnh Thanh Hóa từ K17+245 – K17+332: bị sạt lở mái đê phía sông.