(Tin Môi Trường) - Người dân ở tỉnh Sóc Trăng đang rất bức xúc khi biết nhiều lò đốt rác sinh hoạt thông thường, mấy năm nay hằng ngày phun ra chất độc gây ung thư dioxin/furan cao gấp hàng chục lần quy chuẩn cho phép.
Mối nguy hại chết người ấy lại chưa biết bao giờ có thể khắc phục.
Lò phun chất độc
Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú (Sóc Trăng) Vương Tấn Vũ cho biết vừa chỉ đạo Phòng TN-MT huyện nhanh chóng tham mưu cho UBND huyện có văn bản kiến nghị Sở TN-MT tỉnh khắc phục nguy hại của lò đốt rác.
Lò đốt rác ở xã Tân Thạnh phun khói độc cuồn cuộn
Lò đốt rác ở ấp Cái Quanh, xã Tân Thạnh, vận hành từ tháng 10/2014. Theo báo cáo ngày 25/10/2016, của Sở TN-MT do PGĐ Trần Văn Thanh ký gửi UBND tỉnh Sóc Trăng: lò này phun ra chất độc dioxin/furan vượt 10,57 lần quy chuẩn cho phép.
“Đó là đo khi lò mới đi vào hoạt động chứ bây giờ chắc còn tệ hơn vì ống khói muốn gãy, mưa không đốt được nên lửa cháy khó khăn”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Nguyễn Hùng Anh cho biết thêm. Công suất lò theo thiết kế, đốt 6-8 tấn rác/ngày nhưng bây giờ, theo ông Nguyễn Hùng Anh một ngày chỉ đốt trên dưới một tấn.
Đi vào nơi đặt lò, không thể tượng tưởng cái lò trị giá 974.347.306 đồng, giới thiệu là theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng mà lại tồi tàn đến vậy. Cán bộ xã cũng như ông công nhân đốt rác Lê Ngọc Dạng không biết nhãn hiệu của lò là gì, thậm chí không rõ có nhãn hiệu hay không. Ông Dạng cho biết, nhà ở ấp Cái Quanh, cả hai cha con thay nhau đốt rác, một tháng được 4,4 triệu đồng. “Nghèo quá mà làm chứ khổ lắm, lại không biết bệnh tật ngấm vô người như thế nào?”, ông cho biết.
Trong đốt rác sinh hoạt có hai nguyên tắc nghiêm ngặt: phải đốt liên tục để có nhiệt độ cuối cùng cao từ 1.000oC trở lên cho cháy hết chất độc, không còn chất độc thải ra không khí; và rác trước khi cho vào lò cần phân loại để bỏ những thứ có thể tạo ra chất độc như nhựa, cao su… Muốn vậy, lò đốt có nhiều ngăn, ống khói cao ít nhất 20 m để nâng nhiệt độ; bên cạnh có sân phơi để phân loại rác, nhà chứa rác trước khi cho vô lò. Chính vì vậy, cùng với lò đốt rác do Sở TN-MT làm chủ đầu tư, còn có các công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư gần 2,4 tỷ đồng. Tổng cộng khu lò đốt rác này tốn hơn 3,3 tỷ đồng.
Thực tế, ông Dạng cho biết, nền nhà làm thấp hơn sân phơi nên hễ mưa là nước tràn vào ngập rác, không còn đốt được. Một tháng, kinh phí cấp 300.000 đồng để mua lá dừa làm mồi nhóm lò nhưng không đủ. Ông phải dùng các loại rác nhựa, cao su (quy định là cấm cho vô lò) để làm… mồi nhóm lò, đốt rác.
Vì lò không đốt rác liên tục, lại chỉ đỏ lửa phập phù như thế nên nhiệt độ không cao. Lại thêm cái ống khói, thay vì phải cao ít nhất 20 m, ở đây chỉ 8 m mà lại đã gãy khúc giữa. Kết quả, lò tỏa khói cuồn cuộn, xì ra từ khúc ống khói gãy, chắc chắn có nhiều chất độc dioxin/furan hơn lúc mới xây dựng, tức là hơn lúc kiểm nghiệm cho con số cao hơn quy chuẩn chục lần. Làn khói chứa nhiều chất độc gây ung thư, theo gió lan ra vùng xung quanh có nhiều nhà dân, một trường học với hai ngôi chùa.
Bao giờ hết thải chất độc?
Cùng thời gian, Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng còn đầu tư xây dựng lò đốt rác ở ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa (Châu Thành) có công suất 10 tấn/ngày, hoạt động từ tháng 10/2014. Lò này, kết quả kiểm nghiệm cho biết, phun ra chất độc dioxin/furan vượt 16,41 lần quy chuẩn cho phép. Xây dựng trễ hơn, lò đốt rác ở ấp Long Hòa, xã Tân Long (thị xã Ngã Năm), công suất như lò đốt rác vừa kể, vận hành từ tháng 8/2015. Khi mời cơ quan kiểm nghiệm khói bụi 2 lò xây trước, thấy phun chất độc cao quá, địa phương không mời kiểm nghiệm chiếc lò xây sau ở thị xã Ngã Năm, tuy nhiên cùng cung cách xây dựng nên chắc chắn chất lượng không tốt hơn.
Hai lò đốt rác này đắt hơn lò ở huyện Long Phú nhiều lần, mỗi lò hơn 3,3 tỷ đồng. Thêm các công trình phụ trợ nhiều tỷ đồng nữa. Các lò đốt rác không những gần khu dân cư mà còn gần chợ.
Ông Dạng giới thiệu những bao rác nhựa, cao su đáng lẽ phải bỏ ra lại đang được làm mồi nhóm lò
Trong công văn báo cáo UBND tỉnh do PGĐ Sở TN-MT tỉnh Trần Văn Thanh ký, có giải thích: “Do khi triển khai đầu tư mô hình thì Bộ TN-MT chưa ban hành QCVN 61-MT:2016/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt nên có một số thông số chưa đạt”.
Giải thích này che giấu sự thật: trước khi ra đời quy chuẩn lò QCVN 61-MT:2016/BTNMT (có hiệu lực từ ngày 1/5/2016), đã có quy chuẩn bảo vệ môi trường QCVN 30:2012/BTNMT. So với quy chuẩn bảo vệ môi trường cũ, các lò đốt rác cũng phun ra chất độc dioxin/furan vượt gần chục lần.
Một cán bộ ở huyện Long Phú lấy ra “báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án bãi xử lý rác xã Tân Thạnh” khẳng định, khi đầu tư lò đã nhắc đến quy chuẩn QCVN 30:2012/BTNMT. Nguyên văn trong báo cáo: “Giám sát khí thải lò đốt rác, quy chuẩn so sánh: QCVN 30:2012/BTNMT”. Rõ ràng, việc xây dựng lò đốt rác đã không đạt được tiêu chuẩn về khí thải ngay từ đầu.
Vấn đề bức xúc dư luận địa phương hiện nay là các nguy hại chết người bao giờ được khắc phục? Cuối năm 2016, Sở TN-MT có công văn đề nghị được dùng 1 tỷ đồng ngân sách “để cải tạo, khắc phục những hạn chế của 3 lò đốt rác sinh hoạt đã được đầu tư”. Sau đó, UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận cho Sở TN-MT sử dụng 1 tỷ đồng trong kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2016.
Mới đây, GĐ Sở TN-MT Trần Ngọc Ẩn cho biết, đang khẩn trương làm việc với một số nhà đầu tư để có thể khắc phục hạn chế của các lò đốt rác trong năm 2017. Nhiều người dân đặt câu hỏi: tại sao không dừng hoạt động các lò, dừng việc biến chất thải sinh hoạt thông thường thành chất độc gây chết người, cho đến khi cải tạo xong lò, đạt chuẩn hãy cho hoạt động?
Câu hỏi chính đáng chưa được trả lời, chỉ biết, Sở TN-MT lại đang được phép xây dựng thêm lò đốt rác. Ngày 12/6/2017, UBND tỉnh Sóc Trăng có Quyết định số 1300, chi 9 tỷ đồng ngân sách cho Sở TN-MT đầu tư xây dụng 2 lò đốt rác, ở xã Nhơn Mỹ (Kế Sách) và ở xã Long Hưng (Mỹ Tú). Lo ngại về chất độc gây ung thư đang lan rộng.