(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 3.10, tập thể người dân xã Đa Phước đã tập trung tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (thường gọi là bãi rác Đa Phước) của Công ty xử lý chất thải Việt Nam (VWS) để yêu cầu làm rõ việc nước thải ô nhiễm nguồn nước chảy ra từ bãi rác vào ngày 2.10.2017 gây ảnh hưởng đến người dân.
Khu xử lý rác Đa Phước đăng ký đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến nhưng hoàn toàn chỉ chôn lấp
Theo người dân cho biết, vào khoảng 10 giờ ngày 2.10.2017, trong khi trời mưa lớn thì công ty này đã xả một lượng nước thải ô nhiễm ra nguồn nước gây thiệt hại đến những người nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, hôm nay mọi người tập trung tại công ty để yêu cầu làm rõ sự việc.
Từ lúc 9 giờ, nhiều người đã đến công ty, nhưng bị chặn lại không cho vào, đến khi người dân bộc lộ những bức xúc thì chỉ người nào có hình ảnh, clip làm bằng chứng cho sự việc "xả thải" đã xảy ra trước đó thì mới được vào hội trường của công ty để trao đổi.
Nhiều người dân xã Đa Phước phải đứng ngoài vì không có bằng chứng ghi lại việc nước thải chảy ra - Ảnh: Ngọc Thạnh
Tiếp cận Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, phóng viên thấy có khoảng 30 người dân đứng trước cổng Công ty VWS. Trên khuôn mặt họ đều có trạng thái bức xúc vì việc Công ty VWS không cho vô tham dự buổi làm việc chỉ vì họ không có bằng chứng hình ảnh, clip ghi lại lúc nước thải chảy ra. Sự bức xúc ấy mỗi lúc càng tăng lên vì những thiệt hại của họ chẳng biết kêu ai.
Ngoài những người dân đến đây còn các các cơ quan, ban ngành khác như Cảnh sát giao thông, Công an, dân quân... - Ảnh: Ngọc Thạnh
Mưa mỗi lúc một lớn hơn, nhưng vẫn phải đứng ngoài trong khi sự việc có liên quan đến cuộc sống của gia đình, những người dân không được vào này đã đồng lòng cùng nhau đi vào Công ty VWS cho bằng được.
Ban đầu, những người mặc sắc phục công an, ngoài mặc áo mưa màu vàng có in tên của Công ty VWS ngăn cản không cho vào vì lý do vào cũng chẳng để làm gì, nhưng tập thể người dân vẫn quyết vào. Đến khi vào được bên trong Công ty VWS thì cũng chỉ đứng ngoài sảnh.
Vào được bên trong Công ty VWS thì cũng chỉ đứng ngoài chứ không được vào bên trong hội trường làm việc - Ảnh: Ngọc Thạnh
Lúc những người được vào trong trao đổi, làm việc trở ra thì họ nói lại với những người đứng ngoài là đại diện chính quyền trong cuộc làm việc nói là để Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết và sau khi mang mẫu nước đi kiểm nghiệm thì mới biết là có ô nhiễm hay không.
Nghe như vậy, những người dân bức xúc nói: “Để hai ba ngày rồi lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm thì còn gì nữa đâu, nước thải theo dòng chảy của sông trôi đi hết”.
Trước đó, công ty VWS đã cam kết với người dân là không xả thải nữa, nhưng đến khi trời mưa lớn thì công ty lại tận dụng để xả thải ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, một người dân cho biết.
Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có diện tích 128ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án (tổng vốn hơn 32 triệu USD) được đưa vào hoạt động từ tháng 11.2007.
Ngày 9.6.2017, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) ra quyết định xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng.
VWS bị cho có hàng loạt vi phạm như: không xây lắp công trình bảo vệ môi trường (Module xử lý nước rỉ rác) theo cam kết; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra kênh…
Trong kết luận của Thanh tra TP.HCM đầu năm 2016, giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3USD) so với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố. Với đơn giá này, chỉ tính riêng việc chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp (đã được UBND TP.HCM quyết định đóng cửa) về Đa Phước, mỗi năm ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỉ đồng.
Chênh lệch giá được giới chuyên gia về môi trường tính toán TP.HCM đang cho VWS xử lý 5.000 tấn mỗi ngày, tức là mỗi năm phải chi nhiều hơn cho công ty này 3 triệu USD "và việc đó đã kéo dài gần chục năm nay là điều vô lý".
Bãi rác Đa Phước là nguyên nhân gây mùi hôi khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.