Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Năm 2010, dùng tế bào gốc điều trị bệnh lí giác mạc

(19:56:02 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Từ năm 2010, bệnh nhân bị bệnh lí về giác mạc được điều trị rộng bằng tế bào gốc biểu mô giác mạc. Đã có hai người đầu tiên nhìn lại được từ việc điều trị nhờ tế bào gốc biểu mô giác mạc.

Từ năm 2010, bệnh nhân bị bệnh lí về giác mạc được điều trị rộng bằng tế bào gốc biểu mô giác mạc. Đã có hai người đầu tiên nhìn lại được từ việc điều trị nhờ tế bào gốc biểu mô giác mạc.

 

PGS. BS Nguyễn Thị Bình - phó trưởng bộ môn mô - phôi học, Đại học Y Hà Nội - cho biết bộ môn đã nuôi cấy thành công tấm biểu mô giác mạc cho người. Nghiên cứu này thuộc đề tài nhánh cấp nhà nước "Nuôi cấy tế bào gốc" thuộc các lĩnh vực nghiên cứu tủy xương, tuỵ, phôi thai, giác mạc...

 

Đề tài bắt đầu triển khai từ tháng 1/7/2007 với kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Đề tài được thực hiện trong ba năm và năm bệnh nhân sẽ được điều trị.

Nghiên cứu, nuôi cấy tế bào gốc tấm biểu mô giác mạc ở Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Ngọc Huyền

 

Đại học Y Hà Nội đang phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương để đưa vào điều trị cho bệnh nhân. Sau khi nghiệm thu vào năm 2010, bệnh nhân bị bệnh lí về giác mạc sẽ được điều trị bằng phương pháp này.

 

Đã có hai bệnh nhân đầu tiên là anh Tiến và chị Hon (xin phép không cung cấp đầy đủ tên), tuổi từ 35 - 40 được điều trị thành công bằng những tấm biểu mô nuôi cấy được. Tình trạng mắt của hai bệnh nhân trước khi chữa đã bị lòa, nhưng nay đã nhìn rõ vật ở khoảng cách hơn hai mét. Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Mắt Trung ương đang tiếp tục điều trị cho hai bệnh nhân tiếp theo.

 

Theo bác sĩ Bình, tấm biểu mô giác mạc do bộ môn nuôi cấy được không thể thay thế hoàn toàn giác mạc. Nó chỉ được dùng thay thế tạm thời trong một khoảng thời gian tuỳ theo tình trạng của bệnh nhân để chờ khi có giác mạc thay thế, hoặc hạn chế tình trạng mù do bệnh lý giác mạc kéo dài.

 

Hiếm trường hợp không mong muốn vì sử dụng tự thân

 

Khi có ý kiến lo ngại về khả năng một thời gian sau khi ghép, tế bào gốc biểu mô bỗng dưng trở chứng, có thể có những tác dụng phụ không mong muốn, bác sĩ Bình cho biết trong điều trị cấy ghép, thông thường hoàn toàn có khả năng xảy ra những triệu chứng đó.

 

Tuy nhiên, vì đây là cấy ghép tự thân bằng liệu pháp tế bào gốc (tế bào gốc được biết đến với nhiều tính năng: luôn luôn trẻ, có khả năng sinh sản và tạo nên các tế bào khác có những chức năng chuyên biệt, một khi nó được cấy vào một môi trường thích hợp) nên chưa có trường hợp nào trên thế giới bị "bỗng dưng trở chứng". 

Nuôi chuột để sử dụng nghiên cứu tế bào gốc ở Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: V.Giang

Trước đây, khi chưa có tấm biểu mô cấy ghép bệnh nhân bị bệnh lí giác mạc thường dùng màng ối để thay thế tấm biểu mô bị hỏng nên rất dễ dính mi mắt. Nhưng hiện nay, nhờ những tấm biểu mô cấy ghép được, có thể sửa sang mà không sợ bị dính mi như dùng màng ối. Bác sĩ Bình nói.

 

Ngoài ra, còn một phương pháp tạo tấm biểu mô giác mạc nữa là nuôi niêm mạc miệng, thuận tiện hơn nuôi vùng rìa. Sau khi nuôi cấy thành công các tế bào vùng rìa, bộ môn sẽ tiến hành nuôi các tế bào niêm mạc miệng.

 

Một nghiên cứu tương tự, nghiên cứu nuôi cấy tế bào niêm mạc miệng thành kết mạc (tên gọi khác của biểu mô giác mạc) của nhóm bác sĩ, nhà khoa học trong TP.HCM đã nuôi cấy thành công và  phối hợp bệnh viện Mắt TP.HCM điều trị cho hàng chục bệnh nhân từ năm 2007 đến nay.

 

Theo Bác sĩ Diệp Hữu Thắng, Bệnh viện Mắt TP.HCM, người điều trị trực tiếp cho những bệnh nhân này cho biết, tất cả các bệnh nhân sau khi cấy ghép đều có kết quả rất tốt.

 

Giết hàng trăm con thỏ nghiên cứu mới thành công

 

Để thực hiện đề tài này, bộ môn dự tính cần đến 300 tấm màng ối nhau thai và hơn 200 tấm biểu mô giác mạc thỏ. Dự kiến, sẽ cần đến 100 con thỏ cho nghiên cứu. Nhưng thực tế, nhóm bác sĩ nghiên cứu Trường ĐH Y HN phải giết hàng trăm con thỏ mới đi đến thành công.

 

Thời gian nuôi cấy tấm biểu mô giác mạc khoảng 14 ngày. Mới đầu các tế bào vùng rìa giác mạc chỉ mọc một lớp tế bào và sau đó các chuyên gia đã tạo tầng gồm 4 - 5 hàng tế bào. Kỹ thuật tạo tầng rất phức tạp và yêu cầu tấm biểu mô phải bằng phẳng. 

Giảng viên Phan Kim Ngọc (ngồi) là đồng tác giả nghiên cứu thành công tấm biểu mô giác mạc cấy từ niêm mạc miệng ở TP.HCM.

Trước khi thực hiện đề tài, bộ môn đã liên hệ với Trung tâm Giác mạc - Bệnh viện Ichikawa, Nhật Bản để cử bác sĩ sang học tập kỹ thuật nuôi, cấy giác mạc.

 

PGS.BS Nguyễn Thị Bình cho biết, trong tương lai, có thể nghĩ đến việc nghiên cứu nuôi cấy tế bào gốc giác mạc ở Việt Nam. Hiện chưa có nước nào trên thế giới nuôi được tế bào gốc giác mạc nên đây là vấn đề hết sức nan giải.

 

Nếu thành công được không chỉ là thành tựu lớn mà hết sứuc có ý nghĩa nhân sinh.Hiện nguồn giác mạc dùng thay thế còn rất hiếm để thay thế giác mạc hỏng. Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, trong đó có 100.000 người mù cả hai mắt. Những người này chỉ có thể nhìn lại được nếu họ được ghép giác mạc và nguồn giác mạc để ghép cho bệnh nhân còn rất hạn chế.

 

(Theo Vietnamnet)